Hơn 10 ngày sau cơn lũ dữ, huyện miền núi, biên giới Mường Lát vẫn tan hoang. Ngay sau mưa lũ, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã chỉ đạo các đồn biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động cử 1.120 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia hàng nghìn ngày công, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương di dời 261 hộ dân với 1.587 nhân khẩu tại vùng lũ huyện Quan Sơn và Mường Lát.
Bản Poọng, xã Tam Chung, huyện vùng cao biên giới Mường Lát, nơi có 89 hộ với 418 nhân khẩu chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống, là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ gây ra trong những ngày vừa qua. Mưa lũ đã cuốn trôi nhà cửa của 65 hộ dân, 24 hộ còn lại bị ngập trong bùn đất.
Cơn lũ đi qua, nơi vùng cao biên ải này, đi đến đâu cũng gặp cảnh hoang tàn đổ nát bởi tài sản, vật nuôi, hoa màu đều bị cuốn trôi hoặc vùi dưới lớp đất đá, hạ tầng giao thông bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở.
Không để người dân thiếu thực phẩm, nước uống, ngay sau lũ, Đồn Biên phòng Tam Chung, BĐBP Thanh Hóa đã huy động cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn tổ chức sơ tán, di chuyển hàng trăm người dân ở bản Poọng qua các khu vực sông suối nguy hiểm về trú tại đơn vị; đồng thời bố trí chỗ ăn ở, hỗ trợ lương thực và nước uống cho người dân, tổ chức cấp cứu kịp thời những người bị thương.
Đồn Biên phòng Tam Chung đảm bảo ăn nghỉ tại đơn vị cho 140 người dân trên địa bàn từ ngày 30/8 đến nay, huy động gần 500 lượt ngày công giúp người dân bản Poọng, xã Tam Chung dựng lại nhà, dọn dẹp vệ sinh nhằm ổn định cuộc sống.
Ngay sau mưa lũ, đoàn công tác huyện Mường Lát đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng cùng chính quyền địa phương không để cho nhân dân bản Poọng thiếu đói; đồng thời tạo điều kiện về chỗ ở tạm thời, hỗ trợ ban đầu cho các hộ bị mất nhà mỗi hộ 7,5 triệu đồng và hỗ trợ 5 triệu đồng cho những hộ có nhà bị sập và 8 triệu đồng cho mỗi gia đình có người chết, mất tích.
Ngày 5/9, huyện Mường Lát đã nhận được 4 tấn gạo đầu tiên trong tổng số 10 tấn gạo cứu trợ từ UBND tỉnh Thanh Hóa sau nhiều ngày bị cô lập do mưa lũ. Để vận chuyển được 4 tấn gạo lên Mường Lát khá vất vả do tuyến đường quốc lộ 15C, 16C (tuyến đường bộ duy nhất vào huyện Mường Lát) đã bị ách tắc hoàn toàn.
Gạo, hàng cứu trợ của các cấp, ngành, các nhà hảo tâm chuyển cho bà con vùng lũ huyện Mường Lát được tập kết tại UBND xã Trung Lý và Đồn Biên phòng Trung Lý (cách thị trấn Mường Lát gần 40km). Từ đây, hàng cứu trợ sẽ được cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý vận chuyển bằng cách “tăng bo” bằng xe máy vượt hơn 10km đường rừng xuống bến đò Chiềng Nưa, xã Mường Lý, rồi vận chuyển bằng xuồng ngược dòng sông Mã đến xã Tam Chung, cấp phát cho người dân.
Mặc dù các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ như nối lại sóng liên lạc ngay sau 5 ngày bị mất, khắc phục các điểm sạt lở vùi lấp các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 15C, 16C nối các huyện miền xuôi với huyện Mường Lát...
Tuy nhiên, do khối đất đá sạt lở quá lớn, đến hôm qua (11/9), tuyến đường giao thông huyết mạch nối từ các huyện miền xuôi lên Mường Lát vẫn chưa thông suốt do sạt lở đất đá. Các tuyến đường giao thông nối từ trung tâm huyện Mường Lát đi các xã, bản còn nhiều điểm bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Đường giao thông hiện còn 60 điểm sạt lở khiến giao thông bị ách tắc, đình trệ.
Bản Ón, xã Tam Chung có 105 hộ với hơn 700 khẩu thì 8 hộ bị sạt lở nhà phải di dời khẩn cấp, 15 hộ có nguy cơ sạt lở. Hiện bản Ón vẫn đang bị cô lập hoàn toàn, mọi sinh hoạt của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, không đường, không trường, không trạm, không điện và không nước sinh hoạt. Mọi nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, thuốc men vẫn chưa đến được tay người dân. Hàng trăm người dân nơi đây đang cần sự chung tay, chia sẻ của các cấp, các ngành.