Bộ đội Lâm trường 103 mang nước về bản Dao Tình Á

(PLO) - Nhờ cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 103, Đoàn KT-QP 327, giữa những ngày hè nắng chói chang, nước vẫn chảy tràn trề trên cánh đồng bản Tình Á, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà (Quảng Ninh). 
Bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 103 phối hợp đắp đập, đưa nước về bản Tình Á.

Tình Á là bản vùng cao giáp biên giới với gần 100 hộ dân sinh sống, trong đó có trên 90% là đồng bào dân tộc Dao. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu là trồng rừng và chăn nuôi. Hơn 10 năm trước, đồng bào khai hoang, tạo nên cánh đồng khoảng 30 ha và tận dụng nguồn nước tự nhiên từ các khe suối chảy về để trồng lúa nước. Khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn nước tự nhiên cạn kiệt dần nên hầu hết diện tích trồng lúa nước bị bỏ hoang. Đầu năm 2017, sau khi khảo sát thấy rằng, vì không có nước nên bà con bỏ ruộng hoang, Lâm trường 103 đã đầu tư gần 60 triệu đồng đặt mua các rọ sắt và một số cơ sở vật chất, rồi huy động hơn 300 ngày công bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện phối hợp cùng địa phương đắp đập ngăn suối và khơi thông kênh mương, đưa nước về bản phục vụ bà con trồng lúa.

Bà Tằng Ửng Chể (70 tuổi) không giấu được niềm vui: “Khi đó, suối to, nước chảy dữ lắm, vậy mà có đông bộ đội đến giúp bản nên nguồn nước bị chặn đứng. Rồi người lấy đá, người đắp đập, rồi khơi mương, mang nước về tận ruộng. Ngày trước, nhà bà không trồng được lúa, năm nay có nước về nên trồng được vài sào, có thóc ăn, không phải đong gạo, không sợ đói là nhờ công bộ đội Lâm trường cả!”.

Ông Chìu Phương Đông - Trưởng bản Tình Á phấn khởi: “Lâu nay dân bản chỉ biết đến rừng, ruộng bỏ hoang, bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường đến giúp đắp đập ngăn suối, đưa nước về, rồi vận động bà con trồng lúa nước. Năm nay, nhà nào cũng trồng được vài sào lúa, có nhà hàng chục sào. Cả bản ai cũng vui và chờ một mùa lúa sắp chín! Ơn bộ đội mang dòng nước về Tình Á”.

Trung tá Phạm Ngọc Dũng - Chính trị viên Lâm trường 103 cho biết: “Hàng năm, Đảng ủy, chỉ huy Lâm trường đều phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để bàn biện pháp giúp dân, theo phương châm “cho cần câu, chứ không cho con cá”. Đồng bào cần gì, thì giúp cái đó, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỉ lại. Đồng thời, để tránh dàn trải, kém hiệu quả, mỗi năm Lâm trường lựa chọn, tập trung nguồn lực để giúp một đến hai thôn, bản. Với cách làm này, đến nay đời sống của nhân dân trên địa bàn từng bước được cải thiện, nhiều hộ dân yên tâm, gắn bó với biên cương, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.

Đọc thêm