Bộ GD&ĐT “bỏ lỡ cơ hội” kiểm tra việc tự chủ

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về thực trạng “đáng buồn” của chất lượng các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, “do đánh giá về nguyên nhân gây khó khăn chưa được xác đáng nên những kiến nghị về các giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường ngoài công lập chưa chắc”.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về thực trạng “đáng buồn” của chất lượng các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, “do đánh giá về nguyên nhân gây khó khăn chưa được xác đáng nên những kiến nghị về các giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường ngoài công lập chưa chắc”.

Ông Đào Trọng Thi
Ông Đào Trọng Thi

- Tại sao những khó khăn của các trường ngoài công lập đến nay vẫn tồn tại dù đã có Luật giáo dục đại học, thưa ông?

- Năm ngoái các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn nên hiệp hội các trường ngoài công lập đã đề xuất nhiều ý kiến để tháo gỡ. Nhưng chúng tôi cho rằng, do đánh giá về nguyên nhân gây khó khăn chưa được xác đáng nên những kiến nghị về các giải pháp chưa chắc.

- Ông có thể giải thích rõ hơn về những nguyên nhân đó?

- Theo chúng tôi có 2 nguyên nhân. Một là, người học đã có ý thức hơn về yêu cầu chính đáng của mình về chất lượng giáo dục nên những cơ sở giáo dục đại học nào không đáp ứng được yêu cầu của người học về chất lượng thì sẽ không được chấp nhận. Đó là dấu hiệu tốt, tích cực chứ không phải như trước kia muốn cho người ta chất lượng thế nào người ta cũng chịu cả vì người học chỉ cần có một nơi cấp cho cái bằng chính thức là thỏa mãn.

Bây giờ người học yêu cầu cao hơn, không những muốn học ở một trường đại học mà trường đó còn phải có chất lượng để người học dễ xin việc hơn, thu nhập khá hơn... Đây là yêu cầu chính đáng và người học có sự đòi hỏi ấy là một dấu hiệu tích cực, nhưng cũng là nguyên nhân khiến các trường tư khó khăn.

Điều thứ hai rất quan trọng là do chúng ta thay đổi phương thức quản lý về chỉ tiêu tuyển sinh. Trước kia các trường đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh và Bộ GD&ĐT phê duyệt, có nghĩa là các trường vẫn xin và Bộ cho Nhưng bắt đầu từ năm học vừa rồi, Bộ chuyển sang phương thức mới để phù hợp với Luật Giáo dục đại học là cho phép các trường tự xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh theo một số điều kiện đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT ban hành. Như vậy là Bộ đã tích cực bởi vì luật thời điểm đó chưa có hiệu lực.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tự chủ phải kèm theo kiểm tra giám sát nhưng đáng tiếc là Bộ GD&ĐT lại hoàn toàn thả lỏng vấn đề kiểm tra mặc dù Bộ có cơ hội để làm việc đó. Các trường phải báo cáo chỉ tiêu để Bộ cho in cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng” hàng năm. Vì thế, Bộ hoàn toàn có thể biết được trường nào xác định chỉ tiêu không đúng và chấn chỉnh ngay.

Việc Bộ đã bỏ lỡ cơ hội kiểm tra như vậy tạo điều kiện cho các trường xây dựng chỉ tiêu “vống” lên. Nếu các trường công lập cũng xây dựng chỉ tiêu “vống” lên khoảng 10-15% thì “hết phần” của các trường ngoài công lập vốn có quy mô tuyển sinh mới chỉ chiếm 14%. Bên cạnh đó, các trường công lập có lợi thế là học phí thấp hơn do được bao cấp một phần, chất lượng nói chung được đánh giá là cao hơn trường ngoài công lập, đương nhiên là người học sẽ dồn vào trường công lập.

Đó là 2 nguyên nhân dẫn đến trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu.

- Ông đánh giá như thế nào về đề nghị “hạ điểm sàn” như giải pháp cho các trường ngoài công lập tồn tại?

- Các trường ngoài công lập xác định không đúng chỉ tiêu rồi lại đề nghị bỏ điểm sàn hoặc cho trường ngoài công lập điểm sàn thấp hơn thì cũng có nghĩa là thừa nhận chất lượng trường ngoài công lập thấp hơn và càng khiến cho người “ngoảnh mặt” với trường ngoài công lập. Như vậy, nếu cứ đề nghị hạ điểm sàn như vậy để “tồn tại” thì các trường ngoài công lập chỉ lấn sâu hơn vào sự phá sản.

Năm nay Bộ GD&ĐT đã bắt đầu chấn chỉnh tình trạng này, kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh chính xác hơn. Tuy nhiên, năm nay có xu thế là học sinh đăng ký thi vào đại học ít đi và gánh nặng đó lại đổ lên các trường ngoài công lập.

- Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng này, thưa ông?

- Nếu đặt vấn hạ điểm sàn thì dẫn đến chất lượng đầu vào kém, mà theo hệ thống giáo dục của Việt Nam thì đầu vào kém sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo kém nên đó không phải là xu hướng tích cực. Chủ trương xã hội hóa của chúng ta không phải để sinh ra những trường chất lượng thấp, chỉ đáp ứng nhu cầu về số lượng đối với người học.

Thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội nhưng là đầu tư một cách nghiêm túc, có chất lượng chứ không phải chấp nhận một tiêu chuẩn chất lượng bất kỳ nào. Còn ai không vượt qua được yêu cầu khắt khe của chất lượng thì dù có bị phá sản, giải thể cũng xứng đáng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

H.G (ghi)

Đọc thêm