Thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữ ổn định, tăng ứng dụng CNTT
Theo PGS. Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), để chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Bộ đã dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi hiện hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi và đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội.
Phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... giữ nguyên như các năm 2021, 2022; chỉ thực hiện điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức Kỳ thi an ninh, an toàn.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng là thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023. Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương đánh giá việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức thi, đặc biệt là việc đăng ký dự thi trực tuyến đã mang lại rất nhiều lợi thế cho cả thí sinh, nhà trường và toàn xã hội.
Cụ thể, thí sinh có thể tra cứu thuận lợi và kịp thời thông tin cá nhân nhờ văn bản rõ nét, chuẩn hóa. Kết quả kê khai của học sinh được lưu bằng bản điện tử với ngày giờ để làm căn cứ đối chiếu khi cần và có thể truy xuất mọi lúc, mọi nơi. Học sinh có thể tự hỗ trợ, hướng dẫn lẫn nhau trong việc kê khai thông tin.
Giáo viên được giao nhiệm vụ hỗ trợ và xác thực thông tin: Không phải nhập lại trên phần mềm dữ liệu, thuận lợi trong việc kiểm tra thông tin, xác thực, tìm kiếm thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Các trường phổ thông: Thời gian dành cho việc đăng ký rà soát được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Có thể tận dụng máy tính, đường truyền hỗ trợ xử lý việc đăng ký dự thi. Đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc duy trì cơ sở dữ liệu ngành gắn kết với thí sinh.
Đối với xã hội: Việc tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, tiết kiệm, tận dụng được hạ tầng công nghệ thông tin, tiết kiệm chi phí cho xã hội cả về mặt thời gian và nguồn lực.
"Bộ đang xem xét để lựa chọn thời gian tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phù hợp và sẽ công bố trong thời gian tới. Khung thời gian tổ chức thi trung học phổ thông cũng cơ bản giữ ổn định như năm 2022, giáo viên và học sinh yên tâm hoàn thành tốt chương trình và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi...", Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp bảo đảm công khai, công bằng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm có kế hoạch, hướng dẫn về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định.
Theo Bộ GD&ĐT, để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, khách quan, Bộ sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, có một số giải pháp cơ bản như:
Điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt Kỳ thi.
Tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi.
Tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bên liên quan tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.
Đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả.
Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 4 và tổ chức thi vào tuần đầu của tháng 7. Công tác tuyển sinh đại học diễn ra từ 20/7 kéo dài đến cuối tháng 9.