Bộ Giao thông tìm cách nâng thị phần cho hàng hải, đường thủy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 22/3, tại TP HCM, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa.
Hệ thống đường thuỷ, hàng hải tốt ở cả 3 miền nhưng chưa khai thác hiệu quả.
Hệ thống đường thuỷ, hàng hải tốt ở cả 3 miền nhưng chưa khai thác hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay có bất cập là đường bộ chiếm 80% hàng hoá và gần 100% hành khách. Trong khi hệ thống đường thuỷ, hàng hải rất tốt ở cả 3 miền thì chưa khai thác hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ GTVT).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ GTVT).

“Mong muốn của chúng tôi là trong thời gian tới phải nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thuỷ nội địa lên ít nhất là 50%... Nếu làm được điều đó, sẽ giảm chi phí logistics, giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Rất quan trọng nữa là giảm được TNGT, giảm số người chết, số người bị thương. Đây là vấn đề mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm”, Bộ trưởng nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT đặt vấn đề: Phát triển các cảng thuỷ thế nào, kết nối giữa cảng biển và đường thuỷ nội địa ra sao và từ cảng bến thuỷ lên cảng cạn, kho hàng ra sao để xin ý kiến góp ý của các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), trong năm 2022, Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất trên thế giới, đó là Cảng TP HCM đứng thứ 22, Cảng Hải Phòng đứng thứ 28, cảng Cái Mép Thị Vải đứng thứ 32.

Tại khu vực cảng biển Hải Phòng, hiện có 69 tuyến nội Á, 2 tuyến Mỹ - Á, 1 tuyến Á - Âu; cụm cảng biển Hồ Chí Minh có 106 tuyến nội Á, 1 tuyến Mỹ - Á, 2 tuyến Á - Âu; cụm cảng bà Rịa - Vũng Tàu có 9 tuyến nội Á, 21 tuyến Mỹ - Á, 5 tuyến Á - Âu.

Với đường thủy nội địa, ông Ngọc cho biết, hiện cả nước có 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 4.791 bến thủy nội địa có phép, 1.271 bến không phép và 2.526 bến khách ngang sông. Việt Nam có 2.360 con sông, kênh có tổng chiều dài gần 41.900km với 9 hệ thống sông chính đổ ra biển thông qua hơn 120 cửa sông. Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 26.737km. Năm 2023, tuyến vận tải ven biển có lưu lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng thủy nội địa, cảng biển ước khoảng 225 triệu tấn.

Vị đại diện Vụ Vận tải cũng cho biết, xu thế phát triển ngành hàng hải và đường thủy nội địa hiện nay là công nghệ số, cảng xanh, chuyển đối năng lượng, giảm khí thải và sử dụng tàu trọng tải lớn. Đây là những thách thức lớn đối với các chủ tàu, chủ cảng. Doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển để thích ứng kịp thời, nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới…

Từ thực tế đó, ông Ngọc cho rằng, ngành hàng hải cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ như rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Hàng hải năm 2015; đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch nhóm, quy hoạch cảng cạn và triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả; triển khai đề án phát triển đội tàu biển; đảm bảo tiến độ các dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng.

Đối với đường thủy nội địa, theo ông Ngọc, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; tham mưu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi cho lĩnh vực đường thủy nội địa; nghiên cứu triển khai xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn ODA để đầu tư vào các công trình, dự án; nâng cấp chất lượng hiệu quả công tác quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; tập trung xử lý các điểm nghẽn trên tuyến luồng nội địa; đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước…

Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 26.737km.

Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 26.737km.

"Đội tàu Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây, đang đảm nhận 100% sản lượng nội địa và từ 6 - 8% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy vậy, cơ cấu vẫn chưa hợp lý, tàu tổng hợp chiếm tỉ lệ cao, trọng tải tàu nhỏ", ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện Hiệp hội cảng biển Việt Nam cho hay, vận tải biển đang chiếm khoảng 90% tổng lượng vận tải toàn cầu. Từ 1980 đến nay, tăng trưởng từ 5%-10%/năm. Sản lượng vận tải container tăng từ 36 triệu TEU (năm 1980) lên 237 triệu TEU (năm 2000), 545 triệu TEU (2010) và 816 triệu TEU (2020). Dự kiến, đạt 978 triệu TEU vào năm 2025. Gần 60% khối lượng vận tải container qua Biển Đông.

Hàng container trung chuyển khoảng 28% - 30% tổng khối lượng hàng vận tải container toàn cầu, tương đương 274 - 293 triệu TEU (năm 2025). Đông Nam Á chiếm khoảng 30% lượng hàng trung chuyển, tương đương 82 - 88 triệu TEU (năm 2025). Dự báo 100 triệu TEU qua eo Malacca (năm 2030). Trong khi đó, công suất các cảng trung chuyển quốc tế tại Đông nam Á khoảng 53,6 triệu TEU nên cơ hội cho các cảng mới là 28,4 - 34,4 triệu TEU…

Điều kiện cần và đủ để có cảng trung chuyển đầu tiên tại Việt Nam là phải có đối tác phù hợp; đúng vị trí gần với các tuyến đường hàng hải chính toàn cầu, dễ dàng tiếp cận bằng các dịch vụ trung chuyển và biển sâu, yếu tố địa lý thuận lợi, nước sâu >15,5m tiếp nhận tàu post-panamax, bãi có thể mở rộng, trang thiết bị công suất lớn và đúng thời điểm.

Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển vận tải đường thủy.

Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển vận tải đường thủy.

Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh; thiết lập cơ chế hỗ trợ chính sách, thu hút vốn đầu tư; cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, có cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, dịch bệnh dẫn đến giá nhiên liệu tăng, hoạt động kinh doanh, giao thông vận tải hàng hải, đường thủy nội địa, vận tải biển gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn hàng giảm, chi phí đầu tư tăng cao.

Trước tình trạng này, Bộ GTVT đã chia sẻ và có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển…

Đọc thêm