Bộ Giao thông Vận tải “bác” nghi vấn ăn bớt vật liệu

(PLO) - Những công trình hàng nghìn tỷ đồng mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, những nghi vấn về vật liệu sử dụng cho thi công là nguyên nhân của hiện tượng này cũng đã được đưa ra. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang “đối phó” với tình trạng này như thế nào?
Bộ Giao thông Vận tải “bác” nghi vấn ăn bớt vật liệu
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT) thừa nhận, qua kiểm tra thực tế các công trình giao thông thì phát hiện nhiều tồn tại, và những công trình này sau khi đưa vào sử dụng thì cần phải khắc phục.
Tước giấy phép tư vấn giám sát
Giải thích về hiện tượng tại tuyến đường Láng - Hòa Lạc có một số vị trí bị úng ngập hay đường Cầu Giẽ - Ninh Bình có hiện tượng lún, ông Phạm Tuấn Anh cho hay, nguyên nhân là do tuyến đường đi qua khu vực có địa chất yếu cần thời gian lún. Bên cạnh đó, do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng nên việc xử lý nền yếu đôi khi chưa thực hiện được theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. 
Đề cập đến trách nhiệm của đơn vị giám sát, theo ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT, tư vấn giám sát “là vấn đề chúng tôi đánh giá rất nghiêm trọng trong thời gian vừa rồi”. 
Theo ông Trường, về nguyên tắc thì tư vấn giám sát cũng thực hiện việc đấu thầu cho tư vấn giám sát. Thế nhưng một số nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài, khi trúng thầu đã thuê lại các tư vấn giám sát của Việt Nam. 
Trong quá trình thuê lại, chủ đầu tư cũng đã có rà soát giúp cho các tư vấn giám sát nước ngoài. Tuy nhiên, một số tư vấn có năng lực hạn chế nên đã bị Bộ GTVT cương quyết yêu cầu thay thế. 
Hiện tại, Bộ GTVT cũng đang phân loại các nhà thầu, phân loại các tư vấn giám sát, kể cả tư vấn thiết kế, để xem xét, đánh giá. Chỉ những nhà thầu đáp ứng được yêu cầu công trình thì mới được tham gia đấu thầu.
Khó kiểm soát vật liệu
Như báo chí đã phản ánh trước đó, những công trình hàng nghìn tỷ đồng mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp. Một báo cáo của cơ quan có thẩm quyền cho thấy, hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở các tuyến giao thông trọng điểm phía Bắc, mà còn “kéo dài” vào tận miền Nam. 
Nguyên nhân của tình trạng hư hỏng này, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, “nghi án” về các loại vật liệu trôi nổi đang được đặt vào “tầm ngắm” của cơ quan chức trách…
Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh nhìn nhận, tình trạng hằn lún vết bánh xe xảy ra rất nhiều trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường cấp thấp hơn trong khoảng 2 năm gần đây. 
Điều đáng nói, hiện tượng này xuất hiện cả ở những dự án mới xây dựng, cả những dự án đưa vào khai thác thậm chí từ 10 năm nay hoặc lâu hơn nữa. Đặc biệt, việc hằn lún vệt bánh xe không những trên phần đường mà còn hằn lún cả trên mặt cầu - nơi có kết cấu bê tông rất cứng ở dưới. 
Hằn lún vệt bánh xe hiện nay, theo ông Trường, là “vấn đề hết sức nóng”. Đại diện Bộ GTVT cũng bác bỏ các thông tin nhà thầu bỏ giá thấp để được nhận công trình, tình trạng chạy dự án, bán dự án giữa các nhà thầu làm cho kinh phí thực tế khi thi công dự án thấp, dẫn đến chất lượng kém. 
Theo ông Tuấn Anh, nếu có hiện tượng giá thầu thấp một cách bất thường thì đều được rà soát các đơn giá dự toán và yêu cầu nhà thầu phải giải thích lý do. Nếu không giải thích được thì sẽ bị xem xét và điểm số chắc chắn sẽ tương xứng với việc giải thích không minh bạch đó. 
Liên quan đến chất lượng công trình, nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn cho biết có thể do tình trạng sử dụng vật liệu đá trôi nổi, không có nguồn gốc cũng như chưa có đơn vị nào được giao kiểm soát chất lượng nhựa nhập khẩu nên mới dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng.
Về nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng nhựa nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay có 15 doanh nghiệp nhập khẩu nhựa đường vào Việt Nam từ nhiều quốc gia như Iran, Malaysia, Singapore, Trung Quốc,... với số lượng lớn và hầu hết để phục vụ sản xuất bê tông nhựa cho ngành giao thông. 
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là mặc dù phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu “ngoại lai” này, nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết hiện tại không có cơ quan, đơn vị nào được giao kiểm soát chất lượng nhựa nhập khẩu. 
Theo đó, việc kiểm soát chất lượng nhựa, nguồn gốc, xuất xứ nhựa đường gặp khó khăn do các nhà cung cấp thường nhập khẩu nhựa có nguồn gốc khác nhau và lưu chung vào bồn chứa tại kho, cảng; công tác thí nghiệm xác định các chỉ tiêu cơ lý của nhựa để kiểm soát chất lượng cũng không được thực hiện đầy đủ, thường chỉ căn cứ vào chứng chỉ của nhà sản xuất. 
“Về vấn đề vật liệu không đảm bảo chất lượng, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Công Thương để xác định chính xác nguồn gốc nhập khẩu nhựa đường để từ đó thiết kế phù hợp với từng loại nhựa đường” – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường.
“Hiện có tình trạng sử dụng tràn lan các mỏ đá khai thác phục vụ cho sản xuất bê tông nhựa, trong khi nhiều mỏ đá không đủ tiêu chuẩn để sản xuất đá cho bê tông nhựa, như loại đá không phù hợp, độ dính bám đá nhựa kém, công tác thí nghiệm xác định các chỉ tiêu cơ lý không trung thực, mang tính hình thức để hợp thức hóa hồ sơ” - báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đọc thêm