Mang thai hộ - nhân đạo hay phi nhân đạo?

(PLO) -  Mang thai hộ - vấn đề khá nhạy cảm được quy định trong Dự thảo Luật Hôn nhân &Gia đình sửa đổi. Nhiều quan điểm đồng tình với giải thích của ban soạn thảo về tính nhân đạo của quy định này. Nhưng phần lớn ĐBQH còn lo lắng tới những hệ  lụy mang tính phản nhân đạo nếu Luật chỉ đưa ra ở mức cho phép mà không quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của các bên.
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc)
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc)
Có hợp đồng cho hành vi nhân đạo?
Phát biểu tại hội trường, các ĐB đều thống nhất nhận định đứa con sẽ là sự gắn bó, gắn kết giữa vợ chồng, bảo tồn nòi giống. Vì vậy, việc mang thai hộ có ý nghĩa rất quan trọng và mang tính nhân đạo. 
Thực tế cho thấy các cặp vợ chồng không có khả năng sinh sản thường thỏa thuận với người mang thai hộ một số điều kiện khi mang thai, trong đó có đề cập đến lợi ích của người mang thai hộ. Và những điều kiện này chính là mấu chốt của những hệ lụy có thể phát sinh.
ĐB Lê Văn Hoàng (TP Đà Nẵng) nói: Nếu sự thỏa thuận giữa 2 bên chỉ bằng miệng sau khi sinh người con, người mang thai hộ không giao đứa trẻ hoặc sinh đứa trẻ bị khuyết tật, người nhờ mang thai hộ không nhận đứa trẻ thì phát sinh tranh chấp này giải quyết ra sao?.
Chưa kể người mang thai hộ dùng đứa trẻ để vòi vĩnh, có trường hợp mang thai hộ được cấy thụ tinh từ nhân tạo khi sinh ra 2 hoặc 3 trẻ người nhờ mang thai hộ chỉ nhận một trẻ, còn các trẻ còn lại người mang thai hộ phải giải quyết như thế nào?.
ĐB TP Đà Nẵng cũng dự liệu một trường hợp có thể phát sinh trong quá trình mang thai hộ như: Trong quá trình mang thai, thai nhi ban đầu không giữ được, người mang thai hộ có quan hệ với chồng hoặc bạn tình mang thai. Nhưng vì lợi ích riêng tư, mang thai hộ không nói ra, như vậy đứa trẻ sinh ra không phải con của người nhờ mang thai. 
Nếu không phát hiện thì người nhờ mang thai hộ sẽ nuôi đứa trẻ và nhiều năm sau có thể cha mẹ ruột đứa trẻ sẽ đến đòi con lại hoặc sau khi sinh người nhờ mang thai hộ phát hiện đứa trẻ không phải là con ruột của mình thì người mang thai hộ gian dối có bị xử lý không và xử lý như thế nào?.
Theo phân tích của ĐB, nếu thỏa thuận 2 bên thể hiện bằng hợp đồng quy định và điều kiện ràng buộc lẫn nhau thì đây là giao dịch dân sự, ý nghĩa mang thai hộ không còn giá trị. 
Ranh giới mong manh giữa nhân đạo và phi nhân đạo
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị Dự án luật cần quan tâm hơn về quyền lợi người mang thai hộ. Cần có quy định cụ thể về quyền của người mang thai hộ như: Quyền được đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc khám sức khỏe định kỳ cho người mẹ và thai nhi, các điều kiện chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai và sau sinh. 
Trường hợp người mẹ khi sinh bị tai biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, quyền lợi, chế độ thai sản, bảo hiểm xã hội của người mang thai hộ như thế nào?.
Cần quy định cam kết đối với người mang thai hộ về thời điểm giao con, quan tâm, chăm sóc sức khỏe thai nhi trong thời kỳ mang thai, đồng thời, cần quy định về nghĩa vụ của người nhờ mang thai hộ như: Đảm bảo các điều kiện cần thiết để chăm sóc sức khỏe người mang thai hộ trong quá trình mang thai và sinh con, nhất là những rủi ro không may xảy ra với cả người mang thai và đứa trẻ sinh ra. 
ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình)
 ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình)
Trường hợp hai vợ chồng ly hôn trong thời kỳ nhờ mang thai hộ thì giải quyết như thế nào về các nghĩa vụ đối với người mang thai hộ và khi đứa trẻ sinh ra?.
Thấu hiểu tâm lý của người phụ nữ, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) bức xúc: “Người phụ nữ mang thai thường gặp rất nhiều rủi ro, tai biến trong thai sản. Những rủi ro đến với phụ nữ của những người mang thai hộ trong pháp luật của chúng ta chưa có sự điều chỉnh”.
Cho rằng mang thai hộ là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp liên quan đến nhiều khía cạnh, đạo đức, xã hội và pháp lý, là vấn đề dễ bị lợi dụng và chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lo lắng sự mong manh của ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại. 
Bà đặt câu hỏi: Trường hợp vì nhân đạo mà người phụ nữ mang thai hộ phải gánh chịu những hậu quả, rủi ro từ khi mang thai đến sau sinh hoặc phải đánh đổi cả sức khỏe và tính mạng của mình thì sao?. Người mang thai hộ có được xem là mẹ đẻ của đứa bé do chính mình sinh ra hay không?.
“Theo giải thích từ ngữ về cha, mẹ đẻ, về con được thể hiện tại Mục 18, Điều 8, dự thảo luật thì ai là mẹ đẻ, đó là người mang thai hộ thực hiện quá trình thai nghén sinh con hay là người góp tế bào trứng. Những vấn đề trên theo tôi chưa được thể hiện rõ trong dự thảo luật nếu cho rằng người chỉ góp tế bào trứng không cần có sự gắn xúc nào là mẹ đẻ còn người mang nặng đẻ đau, bất chấp nguy hiểm, tính mạng chỉ là người mang thai hộ là hoàn toàn không thỏa đáng, là xem nhẹ công lao sinh đẻ của người phụ nữ”, bà nói. 
ĐB tỉnh Thái Bình phân tích thêm: "Nhiều xung đột, tranh chấp phát sinh do việc mang thai hộ. Phần lớn người phụ nữ cũng phải gánh chịu. Đây là vấn đề phức tạp cần phải được tính toán kỹ đồng thời cũng cần phải nhìn nhận và đánh giá cho đúng bản chất của việc mang thai hộ có thực sự mang lại kết quả hạnh phúc bền vững cho gia đình hay không?”
“Quyền được làm cha, làm mẹ của mỗi cặp vợ chồng là chính đáng, hạnh phúc của mỗi gia đình là điều đáng trân trọng, nhưng quyền đó, hạnh phúc đó có được thực sự bền vững khi được bằng chính sức lực và khả năng của mình. Quyền và hạnh phúc có được bằng việc mang thai hộ từ sức lực của người khác vì mục đích nhân đạo với nhiều rủi ro rình rập. Tôi còn rất băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm”, bà nói 
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) có ý kiến: “Theo tôi phải xem xét thật kỹ nếu việc mang thai hộ về mục đích nhân đạo mà quá trình thực hiện xuất hiện nhiều yếu tố mất nhân đạo thì chúng ta không nên đưa vào và khuyến khích những người không sinh được con thì nhận con nuôi. Đấy là một vấn đề hết sức nhân đạo, tạo điều kiện cho nhiều trẻ khi sinh ra không có bố, có mẹ, không có gia đình, không có ai chăm sóc, có nơi nương tựa chăm sóc thì nhân đạo là nhiều hơn là để phải mang thai hộ.” 
ĐB Phương đưa ra một số dẫn chứng cho rằng quy định như thế này thì chắc chắn yếu tố mất nhân đạo phải nhiều hơn yếu tố nhân đạo: Điều 94 quy định: Nếu vi phạm hợp đồng thì con sinh ra thuộc về người mang thai hộ. 
“Như vậy, vô tình người mẹ không có ý định sinh con, trứng này không phải là trứng của vợ chồng mình, khi sinh ra một đứa con thì lại phải nuôi đứa con này. Chưa nói đến hậu quả của đứa con này là khi sinh ra phải chịu nhiều thiệt thòi mà bản thân nó không có tội tình gì.” ông nói. 
Đã tính đến quyền lợi của đứa trẻ?
Nhìn trên phương diện quyền lợi của đứa trẻ, ĐB Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ) nói: “Điều tôi băn khoăn nhất ở nội dung này là nguyên tắc bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em. Việc quy định trẻ em là đối tượng của hợp đồng trong thỏa thuận mang thai hộ đương nhiên biến trẻ em thành hàng hóa giao dịch thì liệu ý nghĩa nhân đạo có còn tồn tại hay không? Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề mang thai hộ cần được nghiên cứu, bổ sung đầy đủ và chưa đưa vào luật ở thời điểm này”. 
Viện dẫn kinh nghiệm quốc tế trong chế định mang thai hộ, ĐB Triệu Thị Nái (Hà Giang) nói: “Một số nước và vùng lãnh thổ như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên Bang Đức, Ailen, Italia và một số tiểu bang của Hoa Kỳ cũng cấm mang thai hộ. Theo tôi không nên quy định mang thai hộ cho dù mục đích đặt ra là nhân đạo, điều này dễ lợi dụng, nhân đạo đâu chưa thấy mà tình hình có thể bị biến tướng trầm trọng hơn”.
Bà Tòng Thị Phóng - Phó chủ tịch Quốc hội - chủ tọa cuộc họp, nhận định:  Vấn đề mang thai hộ có rất nhiều ý kiến góp ý, vấn đề này là vấn đề mới, trong khi sửa luật này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ. Các ĐB lo lắng việc lợi dụng nội dung này để mang tính chất thương mại. 
Nội hàm quy định cần phải xử lý rõ hơn những vấn đề hiện nay chưa rõ để bảo vệ quyền của trẻ em, không chỉ có quyền của người phụ nữ. Nếu người được sinh ra mà không được quyền gọi người sinh ra mình là mẹ, thì đây là vấn đề rất thiêng liêng đối với mỗi con người. 
Cho nên hôm nay các vị góp ý kiến như vậy rất xác đáng và cần phải quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong mối quan hệ này."

Đọc thêm