Bộ GTVT: Lập đoàn kiểm tra hoạt động các trung tâm đăng kiểm phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hai đoàn kiểm tra của Cục Đăng kiểm và Thanh tra Bộ GTVT sẽ rà soát công tác kiểm định của các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) phía Nam.
Hàng xe dài đợi kiểm tra ở một TTĐK ở TP HCM.
Hàng xe dài đợi kiểm tra ở một TTĐK ở TP HCM.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Đăng kiểm cho biết, hai đoàn sẽ tập trung rà soát trong một tháng. Việc kiểm tra cũng có thể tiến hành tại các trung tâm có biểu hiện tiêu cực ở một số tỉnh, thành khác.

Đây là động thái mới của Cục sau khi 9 TTĐK tại TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị cơ quan công an điều tra vì bỏ qua các vi phạm của xe cơ giới. Trong đó có một đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm, 8 đơn vị thành lập theo hình thức xã hội hóa.

Theo ông Hải, ngoài thanh, kiểm tra, Cục Đăng kiểm sẽ rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn để siết chặt lại công tác cấp phép, quản lý hoạt động của các TTĐK, đặc biệt là siết chặt thành lập trung tâm kiểm định xe cơ giới theo Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Hiện nay, cả nước có 280 TTĐK, trong đó 64 thuộc các Sở GTVT và 216 được đầu tư xã hội hóa, tập trung nhiều nhất ở TP HCM và Hà Nội.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm đánh giá, số lượng TTĐK hiện nay là quá lớn so với số phương tiện. Trong đó có nhiều đơn vị đầu tư xã hội hóa dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, kiểm định dễ dãi để thu hút khách hàng. Do đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, đơn vị nào vi phạm, tiêu cực sẽ bị rút giấy phép hoạt động.

"Chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn về cơ sở vật chất, nhân sự để hạn chế các TTĐK ra đời ồ ạt. Sự gia tăng đơn vị đăng kiểm trong thời gian tới phải tương xứng với nhu cầu kiểm định của người dân", ông Hải nói.

Ngoài ra, cơ quan quản lý đăng kiểm sẽ yêu cầu các đơn vị đầu tư công nghệ, nâng cấp phần mềm và tăng cường tự động hóa để hạn chế can thiệp của con người vào hoạt động kiểm định. Cục Đăng kiểm cũng xem xét phân cấp cho các Sở GTVT thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động các đơn vị đăng kiểm.

Ngày 21/12, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm rà soát các quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập trong hoạt động kiểm định phương tiện; nhận diện từng khâu dễ phát sinh tiêu cực để có giải pháp cụ thể phòng ngừa.

Theo Bộ GTVT, công tác thanh tra cho thấy kiểm định phương tiện tại một số đơn vị còn nhiều thiếu sót, vi phạm của đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các lỗi như không thực hiện đầy đủ nội dung kiểm định, bỏ lỗi vi phạm đèn phương tiện, kích thước thùng xe tải...

Hiện Công an TP HCM đang mở rộng điều tra đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác tại 9 TTĐK trên địa bàn TP HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Kết quả điều tra bước đầu xác định, lãnh đạo các trung tâm đã nhận tiền của chủ 70.000 phương tiện, thông qua "cò" đưa xe đến kiểm định, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.

Theo CQĐT, Giám đốc các TTĐK trên đã nhận "lót tay" rồi chỉ đạo Phó Giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên bỏ qua các vi phạm của xe đăng kiểm. Cụ thể là bỏ qua các lỗi trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...

Sau động thái này, xảy ra tình trạng ùn ứ xe đến đăng kiểm tại hàng loạt TTĐK ở TP HCM. Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Hòa An, tình trạng xe đi đăng kiểm quá tải diễn ra sau khi 4 TTĐK ở TP bị dừng. Sở đang thống kê lưu lượng xe hàng ngày cũng như nhu cầu cần đăng kiểm để có giải pháp điều phối, hạn chế ùn ứ.

"Lượng xe đi đăng kiểm ở các trung tâm trên địa bàn TP HCM bình thường đã rất đông và càng tăng cao dịp cuối năm, do nhu cầu mua ôtô của người dân thường tập trung ở thời điểm này", ông An nói và cho biết nếu tình trạng quá tải kéo dài sẽ đề xuất các TTĐK ở địa phương lân cận hỗ trợ. Việc này hạn chế ảnh hưởng người dân, DN trong bối cảnh nhu cầu đi lại, giao nhận hàng hoá dịp cuối năm tăng cao.

Những ngày tới, Sở GTVT phối hợp CSGT hướng dẫn, điều tiết phương tiện dừng, đậu ngay trước các TTĐK. Ngoài yêu cầu tăng thời gian làm vào Thứ Bảy, Chủ nhật, Sở GTVT cũng đề nghị phát phiếu hẹn giờ cho chủ phương tiện có nhu cầu đến kiểm định. Công bố các TTĐK còn hoạt động để người dân chọn nơi kiểm định xe phù hợp, tránh dồn về một điểm.

Ngày 23/12, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết đơn vị đã có kiến nghị gửi đến các TTĐK xe cơ giới trên địa bàn về việc kiểm định xe cho người dân thời điểm trước Tết.

Theo ông Lâm, TP HCM hiện có 17 TTĐK xe cơ giới. Trong đó có 7 TTĐK trực thuộc Cục Đăng kiểm, 9 TTĐK tư nhân và 3 TTĐK thuộc Sở GTVT.

Vừa qua, một số TTĐK trên đã xảy ra tình trạng nhân viên đăng kiểm vi phạm, cơ quan công an đang xử lý.

Sở GTVT đề nghị các TTĐK rà soát, chấn chỉnh các sai phạm; thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm.

Riêng 3 TTĐK trực thuộc Sở GTVT là 50-01S, 50-02S và 50-03S, tập thể lãnh đạo trung tâm phải rà soát các dây chuyền kiểm định, đảm bảo phục vụ người dân thời gian tới (dự kiến tăng cao do một số TTĐK bị đình chỉ hoạt động).

Đồng thời, tất cả cán bộ, viên chức, người lao động phải thực hiện đúng quy định, tuyệt đối không có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Các nội dung vượt thẩm quyền của đơn vị phải báo cáo Sở GTVT.

Đọc thêm