Cụ thể, 4 dự án BOT bị yêu cầu tạm dừng thu phí gồm 3 trạm trên Quốc lộ 1: Trạm thu phí Km2079+535 Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp); trạm Bắc Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (Công ty cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); trạm Cam Thịnh - Km1517+647, Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488 - qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1 - Cam Ranh); và 2 trạm thu phí tại Km1610+800 và Km1667+470 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn TP.Pleiku đến Cầu 110 (Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai).
TCĐB yêu cầu 4 DN dự án bị yêu cầu dừng thu phí thông báo công khai việc dừng thu phí trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trạm thu phí; đảm bảo công trình được vận hành thông suốt, an toàn. Đồng thời tổ chức trông coi, bảo vệ tài sản trạm thu phí tránh mất mát, hư hỏng tài sản, thiết bị cũng như có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trạm thu phí sau khi dừng thu.
Trước đó, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư ký kết phụ lục hợp đồng BOT với Bộ trước 5/7/2019. Đồng thời, Bộ GTVT cũng giao TCĐB Việt Nam dừng thu phí đối với các nhà đầu tư không hoàn thành đúng thời hạn ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí ETC cho đến khi nhà đầu tư thống nhất ký kết phụ lục hợp đồng.
TCĐB được yêu cầu có trách nhiệm đôn đốc nhà cung cấp dịch vụ đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị ETC tại các trạm có đủ điều kiện, trong đó ưu tiên triển khai trước tại các trạm cửa ngõ có lưu lượng giao thông lớn.
Theo giải thích của TCĐB, thông báo trên có mục đích nhắc nhở các nhà đầu tư nhanh chóng ký điều chỉnh hợp đồng ETC để kịp tiến độ triển khai trên cả nước. Tuy nhiên, đại diện DN BOT đều cho biết họ đã ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng từ 1-2 năm trước và đang thu phí ổn định.
Mới đây, Bộ GTVT điều chỉnh tỷ lệ doanh thu trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ ETC nên một số DN cần ký thêm phần điều chỉnh này, chứ không phải các đơn vị đó không muốn ký phụ lục hợp đồng - lý do mà TCĐB đưa ra để thông báo dự kiến cấm bán vé cho phương tiện qua trạm. Đại diện BOT Đức Long - Gia Lai cho hay, trạm thu phí trên quốc lộ 14 của đơn vị này đã có 4 làn không dừng, nên việc TCĐB ra văn bản như vậy khiến nhà đầu tư rất ngạc nhiên.
Khẳng định đồng tình với chủ trương thu phí không dừng của Chính phủ, song đại diện các DN cho rằng tỷ lệ mà họ phải trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC là chưa hợp lý. Cụ thể, các dự án phải trích từ 2% đến 4,5%, thậm chí 7% doanh thu làn không dừng, trong khi với nhiều đơn vị thì doanh thu dự án BOT hiện nay chưa đủ trả lãi vay ngân hàng.
Một số chủ đầu tư phản ảnh chi phí lắp đặt ETC khiến phương án tài chính của dự án tăng hàng trăm tỷ đồng và kéo dài thời gian thu phí 1-2 năm. DN muốn tự đàm phán với đơn vị cung cấp dịch vụ ETC thay vì Bộ GTVT yêu cầu họ phải trả theo tỷ lệ doanh thu.
Sáng 8/7, tại cuộc họp về thu phí không dừng, trước các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu TCĐB rút lại thông báo tạm dừng thu phí với 4 dự án BOT. Đồng thời chỉ đạo Vụ Đối tác công tư (PPP) tính toán tỷ lệ trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT.
Thứ trưởng Thọ cho biết, tổng vốn đầu tư để lắp đặt thu phí không dừng tại 44 trạm BOT trên toàn quốc (giai đoạn một) là 1.700 tỷ đồng và sẽ được phân bổ hợp lý, công bằng cho các dự án. Trạm gần thành phố với lưu lượng xe cao thì tỷ lệ trích phải cao; trạm nhỏ có doanh thu thấp thì trích vừa phải.
“Không có chuyện nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, mà chỉ bàn giao một số làn để tổ chức thu phí theo công nghệ ETC. Tất cả nhân sự, tài sản của trạm thu phí vẫn thuộc doanh nghiệp dự án quản lý”, ông Thọ nhấn mạnh.