Thông tin vừa đươc đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Bộ KH&ĐT tổ chức chiều nay - 8/1/2021.
Theo ông Bùi Anh Tuấn - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), thi hành Luật DN 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ đã trình và ngày 4/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 01/ 2021/NĐ-CP về đăng ký DN với nhiều điểm đổi mới. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN với nhiều thủ tục khác.
“Việc Chính phủ ban hành Nghị định đầu tiên của năm mới – một nghị định về đăng ký DN – ngay trong ngày làm việc đầu tiên (4/1) đã mở ra những hy vọng khởi sắc cho hoạt động phát triển DN. Kết quả là trong tuần làm việc đầu tiên, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký DN được xử lý, với 2.100 DN thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật DN năm 2015” - ông Tuấn cho biết.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật là một trong những điểm nhấn của Bộ trong nhiệm kỳ 2016- 2020. “Bộ KH&ĐT đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ trưởng rất quan tâm và trực tiếp chỉ đạo sát sao, quyết liệt!” - Thứ trưởng Phương cho hay,
Nhờ đó, Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, trình và bảo vệ thành công trước Quốc hội 6 đạo luật quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, gồm: Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hoàn thành khối lượng lớn các văn bản hướng dẫn trình cấp có thẩm quyền ban hành: các nghị định, thông tư, nghị quyết… Công tác tham mưu, xây dựng thể chế đã thể hiện vai trò tiên phong của Bộ trong việc chủ động đề xuất cải cách, đổi mới hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả phân bổ, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh…
Đặc biệt năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội Bộ đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, công điện, đề án, tờ trình, báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội.
Liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng cơ chế, chính sách về đổi mới và phát triển DN giai đoạn vừa qua.
Bộ đã chủ trì báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này; trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm chi phí cho DN; khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững,…
“Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư, DN, huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA) đã góp phần tích cực thay đổi môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở rộng, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển…”- Thứ trưởng khẳng định.