Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đi đầu trong đổi mới tư duy“

(PLVN) - Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT phải có tầm nhìn xa hơn các bộ, ngành khác, phải là bộ đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo sang các bộ, ngành khác và các địa phương trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.

Hôm nay - 31/12, Bộ KH&ĐT đã long trọng kỷ niệm 75 năm này thành lập ngành KH&ĐT (31/12/1945-31/12/2020) và Lễ đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.
 Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.

Quy mô nền kinh tế đạt trên 1.000 tỷ USD

Tiền thân là Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết được thành lập theo sắc lệnh số 78-SL ngày 21/12/1945, ngay từ khi được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, trọng trách và tầm quan trọng của công tác tham mưu, kế hoạch, kiến thiết. 

Người nhấn mạnh “sự nghiệp kiến quốc cần phải có một chương trình cụ thể được nghiên cứu một cách kỹ càng” và giao nhiệm vụ “Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ”.

“Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành KH&ĐT luôn tự hào giữ vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược; triển khai nhiều cải cách, đột phá, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao phó, trong đó nổi bật nhất là 03 nhiệm vụ chính trị then chốt, xuyên suốt cả chặng đường xây dựng và phát triển của ngành…” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại sự kiện.

Bộ trưởng cũng cho biết, với sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, đất nước chúng ta đã vững bước trên con đường đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Theo đánh giá của IMF, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế nước ta đạt 1,05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 nghìn  USD…

Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ KH&ĐT- Ảnh: VGP
Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ KH&ĐT- Ảnh: VGP  

Trọng trách trong xây dựng chiến lược

Biểu dương đóng góp của ngành KH&ĐT trong 75 năm qua, Thủ tướng điểm lại 6 thành tích nổi bật của ngành, trong đó nhấn mạnh trọng trách của ngành trong chủ trì xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển KTXH qua các thời kỳ. 

“Những chiến lược này là kim chỉ nam, định hướng phát triển, cụ thể hóa đường lối của Đảng trong phát triển đất nước từng chặng đường 10 năm trong thời kỳ Đổi mới. Mỗi kế hoạch 5 năm là bản lộ trình rõ ràng trong trung hạn, tạo ra bước tiến mới trong phát triển đất nước suốt thời kỳ Đổi mới…”- Thủ tướng khắng định.

Thủ tướng cũng biểu dương ngành KH&ĐT đã luôn nghiêm túc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với tư duy đổi mới, đột phá trong cải cách thể chế kinh tế phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước. Đây cũng là cơ quan được giao nhiều đề án quan trọng nghiên cứu các mô hình, định hướng phát triển đất nước với chất lượng được Đảng và Nhà nước đánh giá cao.

Đồng thời, Bộ cũng là một trong số các bộ, ngành luôn có số lượng đề án, báo cáo lớn nhất. Bộ KH&ĐT luôn đi đầu trong nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh tế mới, đột phá như: Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Bộ cũng đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, cải cách trong quản lý nhà nước về đầu tư, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư toàn xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng biểu dương Bộ KH&ĐT là Bộ luôn đổi mới và đi tiên phong cả về tư duy và hành động, hành động trách nhiệm và hiệu quả để tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp điều hành KTXH kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng lấy ví dụ, năm 2020 này, dịch COVID-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh và sự nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế và suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Ngay từ thời điểm ban đầu và xuyên suốt quá trình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn chủ động theo dõi, cập nhật sát tình hình dịch bệnh; đưa ra những đánh giá, dự báo về ảnh hưởng của đại dịch để kịp thời tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, ban hành những định hướng, giải pháp chính xác, kịp thời, nhằm hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân.

Thủ tướng cho rằng, “những kết quả đáng ghi nhận nêu trên đến từ tư duy của các đồng chí là cải cách phát triển và không ngừng đổi mới, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngại khó, không ngại khổ, phát huy tinh thần trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân”…

Nhiều khó khăn, thách thức lớn

Khẳng định sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song Thủ tướng cũng trăn trở khi ngành KH&ĐT đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. 

Đó là: Bối cảnh thế giới tiếp tục bất định, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta phải đối đầu; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại, hoặc lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu: Thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông: Nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế; Cạnh tranh giữa các đô thị trong khu vực, kể cả trong nước, trong việc trở thành các trung tâm giao dịch, trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn; 

Ngoài ra là những vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống, an ninh mạng nổi lên, có thể đặt ra nhiều thách thức hơn dự báo; Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng tăng lên theo vùng miền và giữa các nhóm, đi cùng sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu; Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội của nước ta; Cùng với những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên tăng lên.

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP.
Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP. 

Sẵn sàng đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Thủ tướng nêu rõ, ngành KH&ĐT vinh dự là một trong số ít ngành có bề dày lịch sử đi cùng với chiều dài lịch sử ra đời của nước Việt Nam ta. Năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 100 năm ngành kế hoạch và đầu tư. 

“Câu hỏi đặt ra là tầm nhìn của ngành KH&ĐT như thế nào vào năm 2045, vai trò, chức năng của Bộ KH&ĐT sẽ như thế nào trong những thập niên tới?” - Thủ tướng trăn trở với một loạt câu hỏi và đề nghị Bộ KH&ĐT phải có tầm nhìn xa hơn các bộ, ngành khác, phải là bộ đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo sang các bộ, ngành khác và các địa phương trong cả nước.

Đề cập Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó  nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Bộ nào sẽ tiên phong tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện thành công định hướng này?”. Rất quyết liệt, Thủ tướng khẳng định: "Đó chắc chắn là Bộ KH&ĐT”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Bộ KH&ĐT phải hiến kế để đạt được sự bứt phá cho các mục tiêu KTXH năm 2021 cũng như những giai đoạn tiếp theo gắn với những mục tiêu và tầm nhìn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây sẽ đặt ra. 

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT cần tham mưu và chuẩn bị sẵn sàng các nền tảng để ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII kết thúc, tinh thần các nghị quyết của Đại hội phải ngay lập tức đi vào thực hiện và cần phải tham mưu để đề xuất về mặt định hướng với sự kiên định và nhất quán về mục tiêu nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đọc thêm