Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc một số dự án đường bộ cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc dự án đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc một số dự án đường bộ cao tốc

Đối với dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, đây là trục cao tốc Bắc Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường vành đai 4, vành đai 3, dẫn đến đường vành đai 2 TP Hồ Chí Minh), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Tuyến đường này do UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền đang triển khai thủ tục đầu tư để kết nối các tỉnh Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh thông qua vành đai 3, vành đai 2 và về Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua đường vành đai 4.

Đây là tuyến đường có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố an ninh, quốc phòng của vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và cần sớm được đầu tư để tạo động lực phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua địa phận TP Hồ Chí Minh là 23,7km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26,3km và khi được đầu tư hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề như chia sẻ lưu lượng xe đi vào tuyến đường quốc lộ 22; liên kết các đường vành đai 3, vành đai 4 và các đường cao tốc trong tương lai, tạo kết nối thuận lợi cho giao thông khu vực; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương và các sở, ngành liên quan nêu các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành TW trong việc triển khai dự án. Đại diện các bộ, ngành liên quan đã làm rõ thêm các nội dung được nêu.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu; nhấn mạnh đến các nội dung được nêu cũng như sự cần thiết xây dựng hai tuyến đường này.

Bộ trưởng cho biết: Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được đầu tư nhằm mục tiêu từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam và quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, chia sẻ lượng các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 13, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên khi kết nối trực tiếp về tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Việc xây dựng tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài cùng với các dự án giao thông đã và đang triển khai khác trong khu vực sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP Hồ Chí Minh – Cam-pu-chia và các nước ASEAN, tạo không gian phát triển đô thị và động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến quy mô, phương thức đầu tư, tổng mức đầu tư; khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và việc huy động các nguồn vốn, nguồn lực khác để thực hiện dự án; kế hoạch, tiến độ thực hiện; kế hoạch bố trí vốn;…

Bộ trưởng đề nghị các địa phương liên quan cần có đánh giá kỹ lưỡng, bám sát các quy định; đặc biệt liên quan đến phạm vi, quy mô làn xe, cần phải tính toán kỹ lưỡng, sát theo nhu cầu và có tính “dài hơi”; tính toán các phương án đảm bảo hài hòa giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Trên cơ sở các nội dung đề xuất, kiến nghị và các ý kiến được nêu tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các địa phương liên quan nghiên cứu, tiếp thu, xây dựng báo cáo, gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền theo định./.

Đọc thêm