Không tuyển sinh tổ hợp khối C do đặc điểm nghề nghiệp
Năm 2017 các trường công an nhân dân (CAND) sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức để xét tuyển. Điểm mới nổi bật là các trường CAND sẽ không xét tuyển thí sinh theo tổ hợp môn thi khối C (Văn, Sử, Địa), thay vào đó là tổ hợp các môn Văn, Toán, Sử.
Về việc không còn xét tuyển vào tổ hợp môn truyền thống Văn - Sử - Địa (Khối C) khiến nhiều thí sinh đang có ý định dự thi vào Công an hoang mang. Tuy nhiên, trước đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ly thì từ năm 2014, Bộ Công an đã có những công văn chỉ đạo Công an tất cả các tỉnh và thành phố cũng như các trường Đại học - Học viện Công an…trong đó nêu rõ chủ trương năm 2016 sẽ xét tuyển vào các ngành nghiệp vụ An ninh, Cảnh sát, Luật, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước gồm có 2 khối: D1 (Toán, Văn, Anh) và khối tự chọn (Toán, Văn và 1 môn tự chọn).
Lý do thay đổi không tuyển sinh tổ hợp khối C truyền thống còn bắt nguồn từ sự thay đổi tổ hợp xét tuyển vào các trường Công an còn do đặc điểm nghề nghiệp. Trong xu thế hội nhập quốc tế, đòi hỏi cán bộ chiến sỹ Công an phải có trình độ ngoại ngữ tốt, nên về tương lai sẽ tăng cường yêu cầu về ngoại ngữ và việc thay đổi một số tổ hợp xét tuyển cũng để đáp ứng về yêu cầu nghề nghiệp chuyên ngành.
Đồng thời, theo thống kê từ các năm trước đó đăng ký tuyển sinh Công an. Cụ thể là: Năm 2015, chỉ tiêu tuyển sinh vào khối các trường Công an nhân dân và Quân đội là 10.000 chỉ tiêu. Năm 2016, chỉ tiêu vào các trường CAND giảm chỉ còn 5.000. Năm 2016 có 55.269 thí sinh đạt điều kiện sơ tuyển nộp hồ sơ xét tuyển về các khối trường CAND, giảm 37.650 thí sinh so với năm 2015 (năm 2015 số lượng đăng ký dự tuyển là 92.939 thí sinh).
Theo thông tin chưa chính thức thì số lượng chỉ tiêu tuyển sinh vào các nhóm trường Quân đội và CAND năm 2017 khoảng hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu con số này chính xác thì mùa tuyển sinh năm 2017 này số lượng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường Đại học và Học viện trình độ Đại học khối Công an và Quân đội sẽ giảm hơn 8.000 chỉ tiêu so với năm 2015. Bởi thế, hàng năm, điểm thi và tỷ lệ chọi vào khối trường này luôn cao vọt và khá khắc nghiệt.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ly, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, năm nay có nhiều phương thức thi mới, các trường CAND được giao rất ít chỉ tiêu nên cũng muốn làm gọn lại tổ hợp xét tuyển; việc đổi mới thi cũng theo lộ trình và giảm một tổ hợp thi để giải quyết bài toán chỉ tiêu.
Thí sinh nên lượng sức mình
GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc xét tuyển vào ngành Công an thường chỉ dành khoảng 10% chỉ tiêu để tuyển sinh, đó là một tỉ lệ chọi khá khắc nghiệt. Năm 2017, chỉ tiêu này tiếp tục giảm xuống chỉ còn 7-8% nên các thí sinh đăng ký vào ngành Công an, Quân đội phải hết sức thận trọng, thậm chí phải là học sinh giỏi trở lên thì mới nên đăng ký vào ngành này.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ Phó Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT cho rằng, việc chuyển khối thi hay lựa chọn khối thi của các học sinh phụ thuộc rất nhiều vào các trường.Và để đáp ứng nhu cầu xã hội thực tế, các trường có thể thay đổi phương án tuyển sinh để lựa chọn các thí sinh phù hợp, nhất là đối với các ngành đặc thù như Công an, Quân đội. Bởi lẽ thí sinh thi đỗ vào các trường này sẽ không phải lo lắng về công việc, học phí hay các vấn đề sinh hoạt khác... Do đó, các em buộc phải thay đổi cho phù hợp.
Như vậy, với thay đổi của xã hội, các khối ngành Công an, Quân đội cũng sẽ thay đổi các môn để lựa chọn thí sinh phù hợp, đặc biệt ưu tiên cho các thí sinh có năng lực cao về ngoại ngữ hoặc có tư duy logic. Các thí sinh phải xác định việc học của mình ngay từ khi bước chân vào các trường THPT, tập trung đúng các môn học mà mình đăng ký. Bên cạnh đó, các thí sinh cũng nên lưu ý về nguyện vọng cũng như khả năng của bản thân, điều quan trọng là đáp ứng yêu cầu về ngành để sau này ra trường làm việc có sự đam mê.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, với việc nhiều tổ hợp mới ra đời, khối C đã hoàn thành hết nhiệm vụ của chính nó. Đất nước đã hội nhập, người ta cần toán để tính toán và tư duy logic, ngoại ngữ để giao tiếp và làm việc với người nước ngoài, nên tổ hợp khối C còn rất ít trường ĐH, CĐ sử dụng.
Thực tế, ngành nghề phát triển, tổ hợp môn xét tuyển cũng phải tích hợp nhiều khoa học để hình thành. Hơn nữa, việc xây dựng tổ hợp môn thế nào là do mong muốn của nhà trường tuyển được sinh viên đúng với năng lực. Chúng ta không mang các khối truyền thống, lạc hậu ra để áp đặt cho các trường phải sử dụng. Có thể từng môn trong khối C chia ra tạo thành các tổ hợp khác nhau. Bây giờ không có khối thiên hoàn toàn về tự nhiên hay xã hội, mà phải có sự kết hợp cả hai để có tổ hợp phù hợp với từng ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.
Ở góc độ khác, dù đồng tình với sự thay đổi cho phù hợp, song ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng THPT Wellspring Hà Nội cho rằng, các trường ĐH có thay đổi tổ hợp môn thi thì cũng nên dành 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo khối truyền thống. Đây là bắt buộc trong quy chế tuyển sinh, cũng là bước đệm khiến thí sinh trở tay không kịp.
Bởi thực tế, trước thay đổi của các trường không còn khối C, nhiều thí sinh băn khoăn không biết chuyển hướng khác sang các trường còn khối C, hay đăng kí vào ngành đó của trường công an theo tổ hợp xét tuyển? TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, bản thân các em phải nhận thức cho đúng, nghĩa là xác định ngành học mình yêu thích, năng lực, sở trường, đam mê của mình. Nếu khả năng của các em chuyên sâu vào khối C thì một số trường ĐH dự kiến vẫn còn khối C, các em có thể chuyển sang đó. Còn nếu các em quá yêu quý khối ngành Công an, hoặc tìm học bổng, học ngành Công an bởi học phí, việc làm thì các em phải lập kế hoạch ôn thi các môn còn lại rốt ráo ngay từ bây giờ, cho dù có cập rập…
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cũng băn khoăn rằng, không còn khối C truyền thống, đồng nghĩa với sự thiếu hụt về văn hóa lịch sử, chưa kể tới những giá trị nhân văn của mỗi người đều ít nhiều ảnh hưởng bởi sự bổ trợ từ các môn thi khối C Văn, Sử, Địa…