Nở rộ nghề… nhà báo
Nếu như những năm trước, kế toán, tài chính hay ngân hàng là những ngành được biết đến là dễ xin việc, mức lương cao. Do đó, hầu hết các trường khối kinh tế đều mở chuyên ngành này. Ngoài các trường có tiếng trong đào tạo kế toán là Kinh tế quốc dân, Thương mại, nhiều cơ sở cũng không ké cạnh, ồ ạt mời gọi như: ĐH Công nghiệp, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Bách khoa, Học viện Nông nghiệp... Chưa hết, có nhiều cơ sở dân lập cũng “tát nước theo mưa” như: ĐH Đại Nam, ĐH Thành Đô, ĐH Thăng Long… Và cả các trường cao đẳng, trung cấp: Cao đẳng Thương mại và Du lịch, Cao đẳng Công nghệ...
Cũng giống như khối kinh tế, khối nhân văn cũng diễn ra tình trạng tương tự. Báo chí được biết đến là một ngành nằm trong nhóm ngành truyền thông được đông đảo các bạn trẻ yêu thích và mong muốn theo học. Tuy nhiên, yêu cầu đòi hỏi trong tuyển dụng của ngành này lại mang tính đặc thù, đòi hỏi tố chất và học lực khá từ mỗi cá nhân. Thế nên, ở Việt Nam trước đây chỉ có một số ít trường truyền thống như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội và TP HCM), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cao đẳng Truyền hình, được biết đến là những lò đào tạo nhà báo chuyên nghiệp. Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, hàng loạt cơ sở mở ngành báo chí, từ trường công tới trường tư, đơn cử: ĐH Thái Nguyên, ĐH Dân lập Hòa Bình cũng mở ngành truyền thông đa phương tiện, đào tạo những phóng viên, nhân viên PR, quay quảng cáo. Từ năm 2015 Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cũng mở thêm ngành truyền thông đa phương tiện (thuộc nhóm ngành báo chí) đào tạo ra đội ngũ phóng viên đa chức năng chú trọng nhiều đến vấn đề kĩ thuật.
Và điểm đầu vào có một sự chênh lệch không hề nhỏ giữa các trường truyền thống và trường mở ngành mới. Nếu như Học viện Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn lấy mức điểm khá cao, trung bình ở mức 21 điểm với khối C và 20 điểm với khối D thì Khoa Báo chí ĐH Thái Nguyên và ĐH Hòa Bình lấy ngưỡng điểm từ 15 điểm, vừa đủ điểm sàn (điểm tối thiểu để xét tuyển ĐH của kì thi THPT quốc gia), thậm chí còn có phương án xét học bạ cấp ba để tuyển sinh đầu vào.
Sẽ có “kỹ sư” báo chí?
Trong khi đó, ai cũng hiểu chất lượng đầu vào đóng vai trò khá quan trọng. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu học lực trung bình, thậm chí là yếu nếu không có năng lực và một phông văn hóa nhất định thì dù trong môi trường có cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên giỏi cũng khó trở thành một nhà báo giỏi? Đành rằng, sẽ có những sinh viên bứt phá và nỗ lực, nhưng con số đó có thấm vào đâu so với cả khóa, thậm chí vài thế hệ sinh viên với đầu vào thấp như vậy? Chưa kể đến việc độ chuyên nghiệp trong đào tạo ở các cơ sở này khó có thể bằng với các cơ sở báo chí hàng đầu, có sự sàng lọc khắt khe trong tuyển sinh cũng như đào tạo.
Và có một điều tréo ngoe, như Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông với chuyên ngành đào tạo công nghệ, sinh viên ra trường sẽ là bằng kĩ sư. Vậy sinh viên ra trường ngành truyền thông đa phương tiện cũng sẽ là bằng kĩ sư báo chí? Theo chia sẻ của Thanh Hương, sinh viên Khoa Truyền thông đa phương tiện trường Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông: “Đây là ngành tương đối “hot”ở trường, bởi mức điểm khá cao so với mặt bằng chung. Môi trường học được đầu tư, trang bị cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ giáo viên trẻ nhiệt tình, hơn thế nhà trường còn thường xuyên mời các nhà truyền thông, nhà báo về chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên. Chương trình đào tạo của khoa rất mới mẻ giúp sinh viên phát huy tính năng động ngay từ đầu theo chương trình học: Năm nhất sinh viên sẽ được học vẽ, thiết kế đồ họa; năm hai học về chụp ảnh-thiết kế; năm ba học về làm phim; năm bốn học về làm báo và tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, trường mình không đào tạo làm báo chuyên sâu, không học các kĩ năng viết tin bài nhiều mà chỉ đào tạo mạnh về phóng viên ảnh, quay dựng phóng sự và viết tin vắn. Khoa truyền thông đa phương tiện của trường chỉ đào tạo mạnh về kĩ năng cho các phóng viên ảnh, và phóng viên quay phóng sự, sự kiện chứ không hẳn đào tạo nhà báo một cách toàn diện”.
Có thể nói, mỗi nghề đều mang những đặc thù riêng. Nghề báo trước hết ngoài cái tâm trong sáng, cùng bản lĩnh chính trị là những hiểu biết sâu rộng về xã hội cùng những kĩ năng nghề nghiệp tốt. Và nếu không có đam mê, không có sự nhạy bén, tình yêu với hơi thở cuộc sống, hết thảy những gì diễn ra quanh mình, thông qua lăng kính nhà báo thì sẽ không sống chết được với nghề. Thế nên, việc đào tạo nhà báo, phóng viên ở nhiều bậc trình độ, nhiều môi trường khác nhau, nhiều cách thức khác nhau liệu các cơ sở báo chí có đảm bảo được đầu ra của mình? Nhất là khi mà tình trạng thất nghiệp không ngừng tăng lên, đòi hỏi mỗi người phải trải qua sự sàng lọc rất thực tế và tự nhiên? Học thì đã như vậy mà làm không có nỗ lực, đắm say thì sự đào thải là tất yếu…