Bộ, ngành Tư pháp đóng góp hết sức quan trọng trong xây dựng thể chế
Khái quát tình hình chung của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong năm 2022 với việc đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, Bộ, ngành Tư pháp đã có những đóng góp hết sức quan trọng về xây dựng thể chế - một trong ba đột phá chiến lược. Trên tinh thần đó, từ góc độ của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh thêm một số kết quả để thấy được những đóng góp quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp.
Cụ thể, về xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, toàn ngành Tư pháp đã rà soát gần 28 nghìn văn bản – một khối lượng rất lớn, theo chỉ đạo từ đầu năm của Chính phủ để từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ gần 6 nghìn văn bản. Kết quả này đóng góp vào việc thực hiện một loạt chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, mà khi làm chúng ta thấy còn có vướng mắc, quy định chồng chéo, thậm chí khác biệt thì Bộ Tư pháp đã rà soát, kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chồng chéo. Bộ Tư pháp cũng đóng góp vào cải cách hành chính, là Bộ đứng đầu về cải cách hành chính, cắt giảm đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật. Báo cáo cho biết số lượng có 12 Luật, 6 Nghị quyết nhưng theo Phó Thủ tướng Thường trực, quan trọng hơn là Bộ đã đóng góp xây dựng vào việc lần đầu tiên Quốc hội ban hành chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ toàn khóa. Bộ cũng tham gia đóng góp chính trong các đề án để xây dựng, ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đề xuất chương trình xây dựng luật hàng năm của Quốc hội, hạn chế tình trạng “đưa vào rút ra” các luật không đủ điều kiện trình Quốc hội.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Hội nghị. |
Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương, năm 2021-2022, Bộ Tư pháp cùng Bộ Nội vụ xây dựng, thẩm định các Nghị định quy định cơ cấu tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành theo hướng đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết của Trung ương, đóng góp các ý kiến thẩm định khách quan, cần thiết, quan trọng để Chính phủ ban hành hầu hết các Nghị định này, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu của Trung ương.
Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự cũng như công tác hợp tác quốc tế về pháp luật, tư pháp. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực đề cao vai trò quan trọng của ngành Tư pháp trong tham mưu cho Chính phủ trong xử lý các vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế. Bởi thế, Chính phủ yên tâm tiếp tục giao nhiệm vụ này cho Bộ Tư pháp, xây dựng năng lực, khả năng để chúng ta tham gia đảm bảo được tính khách quan, bảo vệ được quyền lợi của Nhà nước Việt Nam.
Liên quan đến việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý Chính phủ đã thông qua sớm Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, trong đó Bộ Tư pháp đã thực hiện đúng yêu cầu về nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn bộ máy dù công việc của ngành rất nhiều.
Kiên quyết tránh tình trạng nợ đọng văn bản
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng điểm lại một số tồn tại, hạn chế nhất định. Theo đó, chất lượng pháp luật trong một số lĩnh vực còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, có lĩnh vực chưa có luật điều chỉnh, nhất là những vấn đề mới như cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, công nghệ số…; công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa thực sự tạo đột phá, nhất là trong việc đảm bảo tính răn đe, hiệu quả; tình trạng “nợ đọng” vẫn còn; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có việc còn hình thức, nội dung chưa thật phù hợp với đối tượng, địa bàn.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tư pháp. |
Về phương hướng, cơ bản nhất trí với các phương hướng, giải pháp, nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp được nêu tại Báo cáo, các tham luận, ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh thêm một số nội dung. Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tư pháp.
Trong đó, tham mưu thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. “Đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Nhân Hội nghị có đại diện các Bộ, theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần kiên quyết tránh tình trạng nợ đọng văn bản. Trong tất cả các phiên họp của Chính phủ đều yêu cầu các bộ, ngành không được nợ đọng văn bản, bởi “tình trạng nợ đọng có tiến bộ hơn, nhưng vẫn còn, vẫn phải thúc giục các bộ, ngành.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực này; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. Chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ tư, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao, trong đó thi hành án hành chính còn nhiều khó khăn, là lĩnh vực Quốc hội hết sức quan tâm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Thứ năm, nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất. Đây là lĩnh vực hết sức mới, quan trọng, Bộ Tư pháp tiếp tục được Chính phủ giao là cơ quan đại diện pháp lý trong giải quyết các tranh chấp quốc tế. Chúng ta có nhiều hiệp định bảo hộ đầu tư, quá trình đầu tư của chúng ta có những đầu tư từ rất sớm, rất lâu, theo những luật từng giai đoạn và luật về những lĩnh vực liên quan có nhiều thay đổi, nhưng các nhà đầu tư sẽ bám vào những luật giai đoạn đầu tiên, nên các vụ kiện nếu có xảy ra sẽ rất phức tạp. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần tham mưu cho Chính phủ và xây dựng được đội ngũ có thể tham gia được các vụ kiện, đảm bảo bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thứ sáu, chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp, các tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 98/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp để làm tốt các công việc được giao, trong đó có vấn đề liên quan đến xây dựng pháp luật, tổ chức, bộ máy, biên chế. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành trong việc triển khai có hiệu quả các công việc được giao.