Bộ Ngoại giao Australia ra tuyên bố quan ngại về diễn biến trên biển Đông

(PLO) - Bộ Ngoại giao Australia ngày 14/5 đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây trên biển Đông đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực.
Công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma. Ảnh: Internet
Australia đã hoan nghênh các tuyên bố về tình hình biển Đông được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm 10 và 11/5. Australia khẳng định nước này có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, giao thương không bị cản trở và tự do hàng hải. Australia kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động khiêu khích có thể làm leo thang tình hình và có các bước đi nhằm giảm căng thẳng. 
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Australia kêu gọi các chính phủ làm rõ và theo đuổi các tuyên bố chủ quyền, cùng với các quyền hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bên cạnh đó, Australia cũng khuyến khích Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN sớm đạt được tiến bộ về một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. 
Ngoài Australia, nhiều nước khác cũng đã bày tỏ quan ngại của mình về các hành động của Trung Quốc gần đây trên biển Đông. Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ trước đó cũng đưa ra thông cáo kêu gọi các bên giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Kerry: Hành động của Trung Quốc là khiêu khích
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 13/5 cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong các phát biểu khác nhau đã 2 lần khẳng định Mỹ quan ngại sâu sắc về “hành động hung hăng” của Trung Quốc trên biển Đông. Bà Psaki cũng khẳng định đây là quan điểm không chỉ của Mỹ mà còn của nhiều nước khác. 
Bà Psaki một lần nữa khẳng định hành động đơn phương của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan và huy động tàu vào vùng biển của Việt Nam là một phần trong một loạt các hành động của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình tại biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định hành vi đó theo quan điểm của Mỹ đã làm tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Bà Psaki cũng nói rằng tất cả các nước trong cộng đồng thế giới đều có quyền bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Kerry cũng đã có cuộc đàm phán với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh để trao đổi về tình hình biển Đông. Trong các cuộc điện đàm này, ông Kerry đã nhấn mạnh lập trường của Mỹ rằng việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan và một lượng lớn tàu của chính phủ vào vùng biển của Việt Nam là hành động khiêu khích. 
Đáp lại tuyên bố từ các nước khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ lập trường không muốn các nước khác ngoài khu vực xen vào vấn đề biển Ðông để cho họ dễ chèn ép các nước nhỏ hơn ở vùng Ðông Nam Á. Tại cuộc họp báo ngày 13/5, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Ngoại trưởng Mỹ đã phát biểu và hành động sai trái, đồng thời cáo buộc Washington đã khuyến khích các nước khác có hành động khiêu khích.
Cho đến nay Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Ấn Ðộ và Australia đã bày tỏ sự quan ngại đối với tình hình căng thẳng ở biển Ðông. Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy Trung Quốc sẽ không thể tự tung tự tác, hành động theo ý muốn riêng của họ.
Philippines cáo buộc Trung Quốc xây sân bay trên đảo Gạc Ma
Trong một diễn biến khác có liên quan đến những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông, Reuters cho biết, Philippines ngày 14/5 cáo buộc Trung Quốc đang cải tạo đất, nhiều khả năng là để xây dựng trái phép một đường băng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Cụ thể, theo Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose, trong những tuần gần đây, phía Trung Quốc đã di chuyển đất và các vật liệu tới đảo Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc hành vi cải tạo đất trên đảo này đã vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). 
Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc xây dựng trái phép một đường băng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và là một hành động làm leo thang đáng kể căng thẳng tại khu vực do những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của nước này tại biển Đông. 
Trước đó, Trung Quốc cũng đã xây dựng trái phép các công trình trên đảo này sau khi dùng vũ lực để chiếm giữ trái phép của Việt Nam. Cáo buộc về hành động phi pháp của Trung Quốc được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ lên tiếng cảnh báo các hành động “khiêu khích” gần đây của Trung Quốc trên biển Đông.
TXVN trích bài viết có tựa đề “Bắc Kinh trả giá cho sự quyết đoán tại biển Đông” đăng trên tờ Wall Street Journal số ra ngày 13/5 cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng sự chia rẽ giữa các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, hành động này của Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những rủi ro chính trị. 
Theo bài báo, Philippines đã thực hiện đưa việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông ra Tòa án Trọng tài quốc tế để phân xử theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp quốc. Tổn thất đối với vị thế quốc tế của Bắc Kinh có thể gia tăng nếu như các quốc gia châu Á khác thực hiện các bước đi pháp lý tương tự, và có vẻ vấn đề chỉ còn là thời gian. Ngoài ra, việc này còn đẩy các nước Đông Nam Á tới gần các đối thủ của Trung Quốc hơn.

Đọc thêm