Theo phóng viên TTXVN tại London, trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hugo Swire khẳng định: “Việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou - 981) trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã khiến căng thẳng “leo thang” trên biển Đông”.
Anh ủng hộ tuyên bố của EU về căng thẳng trên biển Đông
Anh ủng hộ tuyên bố của EU đưa ra ngày 8/5 và đã nêu vấn đề này với Chính phủ TQ ở cấp Bộ trưởng, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tìm cách hạn chế căng thẳng “leo thang”.
Trước đó, người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU đã ra tuyên bố về tình hình căng thẳng trên biển Đông sau khi TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam, cũng như việc các tàu thuyền nước này, trong đó có tàu quân sự uy hiếp, gây hại cho các tàu thuyền Việt Nam.
Tuyên bố nhấn mạnh: “EU lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và tàu TQ. Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển, tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực. EU sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến này”.
Singapore hoan nghênh tuyên bố chung của ASEAN
Trong khi đó, ngày 11/5 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hoan nghênh tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở biển Đông. Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu với báo giới,Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) nêu rõ mặc dù TQ coi các cuộc xung đột tại biển Đông là vấn đề song phương giữa TQ và các nước liên quan, tuy nhiên quan điểm nhất quán của Singapore và các nước ASEAN khẳng định rằng an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này, do đó ASEAN cần phải có quan điểm (về tình hình hiện nay ở biển Đông).
Trả lời câu hỏi của phóng viên Singapore rằng liệu TQ có muốn ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với các phiên thảo luận đã kéo dài trong ba năm nay hay không, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Bắc Kinh đã đồng ý bắt đầu thảo luận về Bộ quy tắc và đó là bước đi đầu tiên.
Trước đó, vào ngày 10/5, phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 của ASEAN tại Myanmar, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, ông K Shanmugam khẳng định các nước cần phải thông qua một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông vì lợi ích của toàn khu vực.
Báo Mỹ: TQ đã đi quá giới hạn
Tờ New York Times của Mỹ đã cáo buộc TQ sử dụng sức mạnh cơ bắp trong tranh chấp với Việt Nam. Tờ báo nhận định, TQ trong những năm gần đây đã không ngại ngần mở rộng các tuyên bố chủ quyền để kiểm soát phần lớn biển Đông. Tuy nhiên, hành động đặt một giàn khoan đắt tiền tại vùng biển đang tranh chấp thể hiện ý chí sẵn sàng hành động trước và đối thoại sau của TQ. Hành động này sẽ tạo sự thực rằng các nước có tuyên bố chủ quyền đối nghịch với TQ và cuối cùng là Mỹ sẽ phải lựa chọn hoặc là chấp nhận, hoặc chiến đấu chống lại.
Tờ báo cho rằng, việc điều giàn khoan là một sự thay đổi trong quyết tâm của TQ nhằm thống trị biển Đông, bởi việc khai thác dầu cần một khoản đầu tư đáng kể và phải thường xuyên bảo vệ, mà trong trường hợp hiện nay, sự bảo vệ do các tàu của TQ, gồm tàu hải quân, đảm nhiệm.
“TQ đang tăng cường những bước đi, “leo thang” và tăng cường sự hiện diện ở biển Đông, nhưng việc này đã vượt ngưỡng” – New York Times dẫn lời bà Holly Morrow, một thành viên trong chương trình Địa chính trị năng lượng tại Đại học Harvard, đồng thời cũng là một cựu thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush nhận xét. Bài viết cũng bày tỏ nghi vấn về việc TQ sẽ đạt được kết cục như giới lãnh đạo nước này mong muốn bởi lập trường vững chắc của Việt Nam.
New York Times cũng cho rằng Việt Nam nên theo đuổi biện pháp tương tự như Philippines, tức đưa TQ ra tòa án trọng tài quốc tế The Hague. Nếu TQ thực sự tin rằng nước này có quyền khoan dầu ở gần Việt Nam thì họ sẽ không việc lo ngại trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình theo cơ chế giải quyết các tranh chấp quốc tế này.
Học giả Đức: Trung Quốc vi phạm Công ước LHQ
Việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị các học giả trên thế giới chỉ trích kịch liệt. Truyền thông Đức dẫn lời Tiến sỹ Gerhard Will - một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP) - cho rằng việc TQ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam không chỉ khiến Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đặc biệt quan ngại.
Tiến sỹ Will khẳng định: “Hành động này là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN và TQ đã ký kết”.
Chuyên gia Đức cũng cho rằng việc TQ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như DOC. Ông Will cũng cho rằng Việt Nam và các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với TQ như Malaysia và Philippines cần bàn thảo để có tiếng nói chung khi giải quyết tranh chấp với TQ.