Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.570 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành với tổng số lợn tiêu hủy là gần 6 triệu con, tổng trọng lượng là hơn 340.000 tấn.
Tháng 12/2019, cả nước đã buộc phải tiêu hủy hơn 38.000 con, giảm 97% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn); tháng 1/2020 buộc phải tiêu hủy hơn 12.000 con (giảm 99% so với tháng 5/2019); tháng 2/2020 (đến ngày 2/2/2020), buộc phải tiêu hủy hơn 600 con.
Đã có hơn 8.000 xã (chiếm 93,7% tổng số xã có dịch) thuộc 609 huyện đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ca bệnh mới; 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày; 32 tỉnh, thành phố có 85% số xã đã qua 30 ngày. Hiện cả nước chỉ còn gần 540 xã (chiếm 6,3% tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày.
Theo Bộ NN&PTNT, như vậy dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả. Bộ đã họp nhiều lần với các DN chăn nuôi lớn bàn về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán; họp về nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh DTLCP; thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra tình hình phòng, chống bệnh DTLCP, hướng dẫn, đôn đốc việc chỉ đạo nuôi tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.
"Các DN chăn nuôi lớn đã tăng số lượng tổng đàn từ 5 - 15% so với cùng kỳ 2018; nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công (như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,...), việc nuôi tái đàn đã có kết quả, lượng thịt lợn đủ cung ứng cho nhu cầu của các địa phương, thậm chí có thể cung cấp cho các địa phương xung quanh; lượng thịt lợn nuôi tái đàn để cung cấp ra thị trường tăng từ tháng 1/2020", báo cáo cho biết.
Tổng đàn lợn cả nước thời điểm hiện tại là trên 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái. Sau khi dịch qua đỉnh điểm vào tháng 5/2019, việc tái đàn đã được triển khai ngay tại các địa phương. Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng 5-7 tháng.
Từ tháng 1/2020 đã bắt đầu có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn và sẽ tăng cao từ tháng 2/2019. Khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP).