Bộ Nông nghiệp: Giá lợn chưa đủ để hòa vốn

Cơ quan quản lý cho biết nhiều nông dân đã "treo" chuồng, không còn nuôi khi mức giá lợn hơi vẫn ở dưới 30.000 đồng mỗi kg. 

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, giá thịt lợn trong tháng 10 vừa qua vẫn ở mức thấp, chưa đủ để hòa vốn. Trong khi đó, các chi phí chăn nuôi không giảm khiến người chăn nuôi lợn càng  thêm khó khăn.

"Nhiều hộ nhỏ lẻ đã treo chuồng, không còn nuôi. Các gia trại, trang trại vẫn tiếp tục nuôi nhưng đều có xu hướng giảm quy mô đàn. Đàn lợn cả nước ước tính đến tháng 10 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2016", báo cáo của Bộ cho hay. 

Cụ thể, theo cơ quan này, giá lợn hơi trong tháng 10 có xu hướng giảm tại nhiều vùng trên cả nước. Giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 2.000 – 3.000 đông một kg xuống còn 26.000 - 29.000 đồng. 

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng giảm 1.000 - 3.000 đồng mỗi kg, hiện dao động từ 28.000 đến 29.000 đồng. Ở miền Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm sau sự kiện cơ quan chức năng phát hiện lợn bị tiêm thuốc an thần tại TP HCM khiến giá lợn hơi ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An… giảm 2.000 – 4.000 đồng so với tháng trước xuống còn 27.000 – 29.000 đồng.  

Trái chiều với giá lợn hơi, giá gà thịt lông màu khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long lại biến động tăng do nhu cầu tăng khá mạnh. So với tháng trước, giá gà thịt lông màu tăng 2.000 – 5.000 đồng lên 40.000 – 44.000 đồng mỗi kg. 

Về tình hình chế biến thịt gia súc, gia cầm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nhận định, các cơ sở giết mổ, chế biến thịt quy mô công nghiệp hiện chỉ sử dụng được khoảng 30% công suất. Các công ty đang tăng cường liên kết chuỗi trong chăn nuôi, chế biến để xuất khẩu thịt an toàn, đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu thịt lợn, thịt gà.

"Việc kiểm soát chất lượng thịt tại cơ sở giết mổ đang gặp khó khăn để cung cấp cho thị trường các thành phố lớn do tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo; khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm", Bộ nhận định. 

Từ cuối năm 2016, giá thịt heo hơi liên tục xuống. Có thời điểm ở một số địa phương, mặt hàng này xuống mức đáy chỉ còn 15.000 đồng mỗi kg khiến người chăn nuôi điêu đứng. Trước bối cảnh đó, câu chuyện làm thế nào để "giải cứu thịt heo" đã làm nóng trên bàn nghị sự của các bộ, ngành cũng như với doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cùng với kêu gọi người dân mua thịt heo để hỗ trợ người chăn nuôi, việc tìm ra các cửa xuất nhập để đảm bảo đầu ra ổn định, cũng như công tác dự báo thị trường cần được chú trọng hơn cũng nhiều lần được đặt ra với các bộ, ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp và ngành công thương. 

Trước đó, heo của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Gần đây, cơ quan quản lý cũng đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay mới có Trung Quốc đồng ý nhập thịt lợn Việt Nam.

Tại một cuộc hội thảo gần đây về xúc tiến thị trường xuất khẩu thịt lợn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, trong ngành chăn nuôi lợn, hiện Việt Nam mới làm được một trong ba khâu là sản xuất. Còn lại khâu chế biến, tiêu thụ thì yếu nhất trong tất cả các ngành của nông nghiệp. 

Đọc thêm