Cụ thể, tại Điều 3 dự thảo Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất xử lý các nội dung phân cấp, phân định thẩm quyền trong Luật Đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp như sau:
Hội đồng nhân dân, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã thực hiện thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện quy định trong Luật Đất đai, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Hội đồng nhân dân, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã tiếp tục thẩm quyền của mình đang quy định trong Luật Đất đai.
UBND cấp xã nơi có đất thực hiện thẩm quyền điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện trước ngày 01/7/2025 đối với phần diện tích trên địa bàn cấp xã.
UBND cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền của UBND cấp huyện quy định tại khoản 2 Điều 188 Luật Đất đai.
Các nhiệm vụ của công chức làm công tác địa chính quy định trong Luật Đất đai do cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã thực hiện.
Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện quy định trong Luật Đất đai được thay thế bằng quy hoạch sử dụng đất cấp xã, kế hoạch sử dụng đất cấp xã. Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp xã là 05 năm.
Áp dụng địa bàn đơn vị hành chính cấp xã theo quy định tại Nghị định này để xác định phạm vi hoạt động của dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 23 Điều 79 Luật Đất đai; xác định địa điểm tái định cư được ưu tiên lựa chọn khi địa bàn cấp xã nơi có đất thu hồi không có đất để bố trí tái định cư theo quy định tại khoản 3 Điều 110 Luật Đất đai; xác định phạm vi không còn chỗ ở nào khác đối với đối tượng được bố trí tái định cư quy định tại khoản 5 Điều 111 Luật Đất đai; chính sách giao đất ở cho cá nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản 3 Điều 124 Luật Đất đai.
Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính không được yêu cầu người sử dụng đất phải thực hiện chỉnh lý hồ sơ, giấy tờ về đất đai khi sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp mà thực hiện đồng thời khi người sử dụng đất thực hiện thủ tục hành chính hoặc trên cơ sở nhu cầu của người sử dụng đất.
UBND cấp xã không thực hiện riêng thủ tục xác nhận về sự phù hợp với quy hoạch, không tranh chấp, đất sử dụng ổn định mà thực hiện lồng ghép khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại các Điều 137, 138, 139 và 140 Luật Đất đai đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của UBND cấp xã.
Trao đổi về đề xuất này, Luật sư Nguyễn Thị Trang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: “Quy định này hoàn toàn phù hợp và cần thiết sau khi bộ máy hành chính được sắp xếp thành 2 cấp là tỉnh và phường/xã. Bởi, các dịch vụ công, trong đó có cấp sổ đỏ/sổ hồng sẽ được thực hiện nhanh hơn, đơn giản hơn khi người dân chỉ cần làm việc trực tiếp với chính quyền cấp xã. Đây có thể là “nét chấm phá” trong thủ tục hành chính trong cách mạng cải cách hành chính của nước ta...”.