Những điểm mới trong Dự thảo Thông tư nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập trong thời gian qua như mâu thuẫn với một số văn bản có tính pháp lý cao hơn; không thể chi trả tiền lương làm thêm giờ cho giáo viên do vướng điều kiện được hưởng (đơn cử như giáo viên mầm non, do đặc thù công việc thời gian làm việc thực tế có thể lên đến 9 - 10 giờ); không có căn cứ quy đổi giữa tiết dạy của giáo viên với giờ làm việc hành chính.
Hạn chế tình trạng giáo viên dạy vượt giờ hoặc thiếu giờ
Dự thảo Thông tư bỏ quy định về điều kiện chi trả chế độ thêm giờ cho nhà giáo tại khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07, thay vào đó chỉ quy định tổng số giờ dạy tối đa trong một năm học mà mỗi cơ sở giáo dục được chi trả tiền lương dạy thêm giờ.
Đồng thời, bổ sung thêm quy định tổng số giờ dạy thêm trong một năm học của tất cả nhà giáo không được cao hơn tổng số giờ dạy thêm giờ tối đa trong một năm học của cơ sở giáo dục; trường hợp môn học không thể bố trí đủ nhà giáo giảng dạy, nhà giáo phải dạy vượt quá số giờ tối đa được thanh toán cho một nhà giáo, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục báo cáo cơ quản quản lý có thẩm quyền để thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo.
Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục, đồng thời bảo đảm việc nhà giáo được hưởng chế độ làm thêm giờ theo quy định của Luật Viên chức và Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, căn cứ quy định này hiệu trưởng nhà trường phải phân công nhiệm vụ cho giáo viên phù hợp, đảm bảo công bằng, hạn chế tối đa tình trạng trong một cơ sở giáo dục vừa có giáo viên dạy vượt giờ, vừa có giáo viên dạy thiếu giờ.
Bảo đảm nhà giáo không làm việc quá tải
Thông tư liên tịch số 07 quy định tổng số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ trong một năm học không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với Dự thảo Thông tư mới quy định chi tiết tổng số giờ được chi trả tiền lương dạy thêm giờ, đối với giáo viên mầm non không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động và đối với nhà giáo khác không quá 150 giờ dạy.
Quy định này bảo đảm phù hợp với đặc thù về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, để có 01 giờ dạy trực tiếp trên lớp, nhà giáo phải có thời gian chuẩn bị trước khi lên lớp và phải có thời gian sau giờ giảng để đánh giá, xếp loại người học. Quy định cũng nhằm bảo đảm nhà giáo không phải làm việc quá tải, có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.
Bổ sung quy định về thời điểm chi trả chế độ tiền lương dạy thêm giờ
Dự thảo Thông tư mới bổ sung quy định về trách nhiệm chi trả tiền lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo dạy liên trường hoặc biệt phái. Theo đó, lương dạy thêm giờ của nhà giáo được cơ quan có thẩm quyền cử đi biệt phái do cơ sở giáo dục mà nhà giáo đến biệt phái chi trả. Tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo được cơ quan có thẩm quyền cử đi dạy liên trường do cơ sở giáo dục mà nhà giáo đến dạy liên trường chi trả.
Trường hợp nhà giáo được cử dạy liên trường đồng thời từ 03 cơ sở giáo dục trở lên (bao gồm cả cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác) thì tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo do các cơ sở giáo dục mà nhà giáo đến dạy liên trường chi trả, số giờ dạy thêm của nhà giáo được chia đều cho các cơ sở giáo dục này.
Dự thảo Thông tư mới bổ sung quy định nhiệm vụ đã được nhận thù lao bằng tiền hoặc phụ cấp thì không được quy đổi ra giờ dạy hoặc giảm định mức tiết dạy để tính tiền lương dạy thêm giờ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định về chế độ làm việc của giáo viên, giảng viên (Thông tư số 20/2020; Thông tư số 36/2020; Thông tư số 05/2025).
Dự thảo Thông tư mới quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, dự bị đại học, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho nhà giáo sau khi kết thúc năm học.