“Bộ phận không nhỏ” phải nhỏ

(PLVN) - Thừa nhận tình trạng có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống nên các nhà lãnh đạo đất nước tìm cách khắc chế tình trạng này.
Hình minh họa
Hình minh họa

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị toán quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng, thay mặt Ban Bí thư, ông Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh đến thực trạng này và yêu cầu ngành này phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn tình hình suy thoái trong Đảng, làm cho “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” ngày càng nhỏ bằng những giải pháp mạnh mẽ.

Thực chất, trong 3 năm gần đây, đặc biệt trong năm 2018, sau khi nhận diện “một bộ phận không nhỏ” cuộc đấu tranh với các biểu hiện suy thoái đã từng bước tấn công và trở thành cao trào trong năm vừa qua. Sự nguy hại khôn cùng là để cho “bộ phận không nhỏ” đó lọt vào đội ngũ cán bộ quy hoạch chiến lược và điều đó có thể làm thay đổi bản chất cách mạng của một đảng cầm quyền và suy thoái, tất nhiên sẽ mở rộng địa hạt của mình, dẫn tới đe dọa sự tồn vong của một chế độ. Vì thế, năm 2019 trở nên đặc biệt quan trọng với công tác tổ chức cán bộ khi chuẩn bị nhân sự, lựa chọn cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ mới.

Cái nhìn lạc quan cho thấy, khi đã nhận diện được nạn “chạy chức, chạy quyền” (một trong những biểu hiện của suy thoái) và thẳng thắn đưa vào các văn kiện chính thức và mở cuộc đấu tranh với nó thì lập tức tệ nạn này buộc phải lui bước. Tuy chưa đưa ra được một trường hợp cụ thể nào để xử lý nhưng chỉ riêng việc “đánh động” và đề cao việc nêu gương, chỉ ra những hành vi của loài “lươn, chạch”,... cũng đã đủ để cảnh báo và cảnh tỉnh “một bộ phận không nhỏ” “nhúng chàm”.

Cái “bộ phận không nhỏ” này đã vơi đi ít nhiều, trở thành các loại củi khác nhau cho lò thiêu tham nhũng và đã mang lại không ít niềm tin cũng như sự phấn khởi, đồng thuận của nhân dân với cuộc chiến phòng và chống tham nhũng, thoái hóa. Sự ủng hộ của nhân dân, thái độ khinh ghét của xã hội đối với quan chức thoái hóa, xa hoa, trụy lạc,... cũng đã góp phần lớn để “bộ phận không nhỏ” này phải co lại, tạo dư địa cho những người có đức, tài thực sự có chỗ đứng và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Sự công khai các hình thức xử lý đối với những người trong “bộ phận không nhỏ” bị phát hiện là một đòn giáng mạnh vào thói bao biện, che chắn, “tốt phô ra, xấu xa đậy điệm” và cũng cần ghi điểm cho các cơ quan truyền thông trong việc “đâm mấy thằng gian” này. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong thông điệp đầu năm của mình đã ghi nhận: “Đặc biệt, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch, tuyên truyền vận động để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng... và khinh ghét, lên án hành vi tham nhũng”. 

Đọc thêm