“Bộ phim” kịch tính trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO

(PLVN) - Các hội nghị thượng đỉnh NATO thường là sự kiện diễn ra trong không khí thân tình, ấm áp, nơi các lãnh đạo liên minh quân sự chia sẻ tầm nhìn, cam kết và thắt chặt các mối quan hệ. Nhưng tại hội nghị lãnh đạo kỷ niệm 70 năm thành lập NATO hồi đầu tháng 12/2019 ở London, mọi việc diễn ra rất khác và nhiều trong số đó liên quan Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tại hội nghị NATO ở Anh hôm 4/12
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tại hội nghị NATO ở Anh hôm 4/12

Bình luận gây tranh cãi

Ngay trước khi hội nghị diễn ra, các nước thành viên đã đồng ý phân chia lại đóng góp ngân sách, trong đó giảm tỷ lệ đóng góp của Mỹ. Đây được coi là động thái chiều lòng Trump, người lâu nay vẫn bày tỏ hoài nghi với NATO và liên tục kêu gọi các đồng minh chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng, thậm chí cho rằng liên minh quân sự từng được coi là thành công nhất lịch sử đã lỗi thời.

Bất chấp điều đó, trước bữa sáng với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 3/12, Trump vẫn phàn nàn rằng liên minh “không đối xử công bằng với Mỹ, họ trả quá ít tiền”.

Tuy nhiên, Trump dường như không chỉ “sắm vai phản diện” trong hội nghị năm nay, mà còn đưa ra những động thái “chính nghĩa” bảo vệ liên minh. Ông chủ Nhà Trắng đả kích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết liệt vì nói NATO “chết não” do thiếu gắn kết, mô tả đây là bình luận “nguy hiểm, ác ý và xúc phạm”, đồng thời đột ngột chuyển hướng đề cao vai trò của liên minh.

“NATO vô cùng quan trọng. Dù hoạt động không tốt, liên minh đã đạt được vị thế rất vững chắc. Chúng tôi đã có một ngày thực sự tuyệt vời, hôm qua cũng vậy. Rất nhiều điều tích cực diễn ra”, Tổng thống Mỹ phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm 4/12.

Trong khi đó, Macron không có ý định rút lại quan điểm của ông về tình hình NATO hiện nay. “Tôi biết những phát biểu của tôi gây ra một số phản ứng, nhưng tôi vẫn bảo vệ chúng”, Tổng thống Pháp phát biểu ngay trong cuộc gặp với Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh.

Căng thẳng trong cuộc gặp giữa hai lãnh đạo không dừng lại ở đó, khi Macron không để Trump “thoải mái” nói những câu bông đùa và châm chọc như thường lệ.

“Ông có muốn tiếp nhận vài phiến quân IS tử tế không? Tôi có thể trao chúng cho ông. Cứ lấy bất kỳ ai mà ông muốn”, Trump rướn người về phía Macron và đùa về các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, đồng thời khẳng định “nhiều” tay súng IS đã đến Pháp.

“Hãy nghiêm túc”, Macron đáp lại, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiêu diệt IS. “Cuộc chiến vẫn chưa dừng lại. Tôi rất tiếc phải nói như thế”.

Hai lãnh đạo cùng nhau tới bữa tiệc chiêu đãi tại Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing sau màn “đấu khẩu”. Macron rõ ràng đã “quá giang” đoàn xe của Trump. Ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ tuyên bố người đồng cấp Pháp đã “rút lại” những bình luận chỉ trích NATO.

Cuộc “tán gẫu” hài hước

Kịch tính tại hội nghị NATO được đẩy lên cao trào liên quan đến “cuộc tán gẫu” giữa các lãnh đạo Anh, Pháp, Canada, Hà Lan trong bữa tiệc tối 3/12 tại Điện Buckingham. Dường như họ không nhận ra cuộc trò chuyện đang được các phóng viên ghi hình và thoải mái đưa ra các bình phẩm. Tổng thống Mỹ được cho là chủ đề “chế giễu” của các lãnh đạo, dù tên của Trump không được đề cập.

Đoạn video dài 25 giây do Đài truyền hình CBC của Canada đăng đầu tiên, bắt đầu với câu hỏi của Thủ tướng Anh Boris Johnson dành cho Macron. “Đó có phải lý do ông tới muộn hay không?”, Johnson nói, sau đó nhận được cái gật đầu của Tổng thống Pháp.

“Ông ấy đến trễ vì phải tham gia cuộc họp báo dài 40 phút trước đó nữa”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngắt lời, dường như đề cập tới cuộc họp báo khi Trump và Macron gặp mặt.

“Các ngài có thể thấy đội ngũ của ông ấy há hốc mồm”, Trudeau nói trong một cảnh khác của video.

Thủ tướng Canada hôm 4/12 thừa nhận ông và các lãnh đạo khác đã trò chuyện về những cuộc họp báo kéo dài của Tổng thống Mỹ bên lề hội nghị thượng đỉnh, giải thích thêm rằng phát ngôn “há hốc mồm” đề cập tới tuyên bố tổ chức hội nghị G7 tại Trại David của Trump. “Mỗi lãnh đạo đều có đội ngũ riêng, những người luôn há hốc mồm vì những bất ngờ không lường trước, ví dụ như đoạn video đó”, Trudeau nói.

Sau khi đoạn video xuất hiện, Trump mô tả Trudeau là “người hai mặt” và hủy cuộc họp báo dự kiến diễn ra sau khi 29 lãnh đạo NATO ra tuyên bố chung. “Chúng tôi sẽ đi về luôn. Tôi thấy chúng tôi đã có nhiều cuộc họp báo rồi”, ông nói.

Bất chấp phản ứng giận dữ của Trump, Trudeau cho biết ông không quan tâm đến việc những bình luận trong video có ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ - Canada hay không, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục “mối quan hệ vô cùng hiệu quả và tích cực” với Tổng thống Mỹ.

Thủ tướng Johnson cũng cho rằng “thật vô lý” khi cho rằng những câu đùa trong đoạn video chứng tỏ ông không tôn trọng Trump. Trong khi đó, người phát ngôn của Macron từ chối bình luận về vấn đề bởi “đoạn video không nói lên điều gì đặc biệt”.

Tuy nhiên, bất chấp những diễn biến “kịch tính”, hội nghị thượng đỉnh được cho là đã kết thúc êm đẹp sau phiên họp chính kéo dài ba giờ. Các lãnh đạo NATO nhất trí chỉ định một nhóm chuyên gia nhằm đánh giá chiến lược trong hai năm tới, chuẩn bị cho hoạt động của liên minh trong tương lai.

“Bước chuyển biến” của ông Trump

Theo một số nhà ngoại giao, chính cuộc tranh luận về phát ngôn NATO “chết não” của Macron đã trở thành điểm mấu chốt giúp tránh bùng nổ căng thẳng và dường như thúc đẩy Trump có cái nhìn tích cực hơn về liên minh. Tổng thống Pháp cũng cho biết kết quả hội nghị “chứng minh sự hữu ích” của bình luận và tự ví mình như “con tàu phá băng chạy qua vùng biển đông cứng”. “Con tàu sẽ để lại những mảnh băng vỡ, nhưng cũng mở ra một lối đi”, ông nói.

Giới chuyên gia đánh giá thái độ “hòa nhã bất thường” của Trump đóng góp không nhỏ cho thành công “tương đối” của hội nghị. Ngoài lời phàn nàn về Trudeau, ông dường như dịu giọng hơn với các đồng minh. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Trump cho biết Berlin đóng góp “thấp hơn một chút” so với mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng của các nước thành viên NATO.

“Tôi có thể nói rằng chúng tôi đã có cuộc thảo luận thực sự tốt đẹp, dành thời gian cho nhiều câu hỏi mang tính chiến lược. Tôi nhận thấy sự thấu hiểu lẫn nhau trong các tình huống địa chính trị đa dạng đang tăng lên”, bà Merkel trả lời báo chí.

Giới chức Mỹ đánh giá việc các nước tăng đóng góp quốc phòng đã xoa dịu Trump và những lãnh đạo khác dường như cũng học được cách đối phó với ông. Thêm vào đó, trước những rắc rối của cuộc điều tra luận tội, việc “gây sự” với lãnh đạo các nước khác được cho là sẽ khiến Trump gặp khó khăn hơn trong nỗ lực tái tranh cử.

Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho rằng trong hội nghị lần này, dù mọi kịch tính đều xoay quanh Trump, Tổng thống Mỹ đã “có tinh thần đồng đội hơn, thay vì trở thành người cản trở”.

NATO rệu rã ở tuổi 70 

Suốt 7 thập kỷ tồn tại, một trong những nguyên tắc cơ bản ràng buộc 29 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là tin tưởng lẫn nhau. Điều 5 của Hiệp ước quy định bất cứ cuộc tấn công nào vào một thành viên của NATO cũng là hành động tấn công cả khối.

Tuy nhiên, phần lớn tinh thần đoàn kết đó của NATO biến mất sau khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng, khởi đầu cho một loạt căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và các đồng minh, cũng như giữa các nước châu Âu.

Theo một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, cho rằng Trump là một “lãnh đạo cá biệt” của Mỹ và người kế nhiệm ông vẫn sẽ ủng hộ NATO. Ngược lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi người đồng cấp Mỹ là điềm báo cho các chính sách sắp tới của Washington, nên châu Âu không thể trông cậy gì ở Mỹ trong việc bảo vệ bản thân trước các mối đe dọa.

Nói cách khác, nước đóng góp nhiều chi phí nhất cho NATO giờ đây lại là nhà đầu tư kém chắc chắn nhất, khiến sự ổn định của liên minh lung lay dữ dội.

Nỗi bất an của NATO thêm chồng chất khi một nguyên tắc cơ bản khác bị bỏ qua, đó là không mua vũ khí từ bên ngoài liên minh, đặc biệt là Nga, đối thủ “đáng gờm” nhất của họ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như không quan tâm đến quy định này.

Lần duy nhất Điều 5 về Phòng vệ Tập thể của NATO được kích hoạt là sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York, Mỹ. Giống như mọi quốc gia thành viên liên minh khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tay giúp đỡ, điều vô cùng hữu ích và quan trọng bởi đây là quốc gia Hồi giáo duy nhất trong NATO. Tuy nhiên, việc Erdogan lên nắm quyền đang thử thách không chỉ sự đoàn kết mà toàn bộ sứ mệnh của liên minh.

Ngoài quyết định mua hệ thống phòng không tầm xa S-400, đồng thời cân nhắc mua dàn tiêm kích Su-35 của Nga sau khi bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35, Erdogan còn “làm ấm lòng” người đồng cấp Nga Vladimir Putin với những bước đi có lợi cho Nga trên bàn cờ chính trị, theo hướng trái ngược với đường lối của NATO, bình luận viên Robertson nhận định. Tuy nhiên, với vị thế là “bức tường thành” quan trọng ở sườn phía nam của NATO, Ankara khó có thể bị loại khỏi khối.

Về cơ bản, tất cả thành viên của liên minh phải sử dụng vũ khí tương thích với nhau. Bằng cách bắt tay với Putin, Erdogan không chỉ phá vỡ trật tự này, mà còn giúp mang lại lợi thế quân sự cho Moskva.

Giới chức Mỹ gần đây gửi thông điệp rõ ràng tới Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc mua vũ khí bên ngoài liên minh là không thể chấp nhận và họ sẽ phải chịu trừng phạt nếu tiếp tục. Tuy nhiên, việc trừng phạt Ankara được cho là không dễ dàng với những tính toán của Erdogan. Vì vậy, NATO có khả năng sẽ đợi Erdogan rời ghế tổng thống thay vì khiêu khích do mức tín nhiệm trong nước của ông cũng đang trượt dốc.

Đọc thêm