Chỉ cách trung tâm TP Hòa Bình chưa đầy 25km, nhưng cung đường để đi vào xã Độc Lập (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) thực sự khiến những người không cứng tay lái phải e ngại. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ và hết sức vất vả, phóng viên mới có thể vượt qua con đường đất đá đang được thi công dở dang với nhiều khúc cua tay áo để đến được trung tâm xã Độc Lập.
May mắn, khi hỏi tìm anh Kiên –Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Độc Lập (HTX Độc Lập) thì có nhiều người biết và nhiệt tình chỉ dẫn. Vẻ ngoài hiền lành, hay cười của anh Kiên khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ với quyết định từ bỏ một công việc với mức lương 15 triệu đồng/tháng cách đây 8 năm, để về quê hương lập nghiệp.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những hồi ức của cậu bé đầu tiên tự thi đỗ đại học tại xã Độc Lập. Không giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa chỉ học xong lớp 9 rồi nghỉ học đi làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình, Kiên quyết tâm đi học đại học. Bởi trong suy nghĩ của Kiên, chỉ có con đường học tập mới là nền tảng tốt nhất để thoát nghèo.
Hàng tuần, Kiên phải cuốc bộ quãng đường 15km để tới được điểm bắt xe khách đến trường cấp 3. Kiên đầu tuần đi học tới cuối tuần mới về nhà. Kiên phải đi học trên con đường mòn mà người dân trồng keo tạo ra, nên nhỏ xíu, mấp mô, trơn trượt. Thời gian đó, Kiên có sự đồng hành của một người bạn nhưng những tuần bạn ở lại trường, Kiên vẫn một mình đi về. Dù nhiều lúc cũng sợ hãi nhưng chưa bao giờ anh có suy nghĩ bỏ học. Bởi “mình đã khổ như thế này thì phải quyết tâm đi học”, ý nghĩ đó luôn nung nấu, là động lực giúp Kiên vượt qua nhiều khó khăn.
Ngày Kiên báo cho gia đình đỗ khoa Văn hóa Dân tộc, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, gia đình anh vừa mừng, vừa lo. Bởi, Kiên đã làm được điều mà chưa đứa trẻ nào ở vùng quê nghèo Độc Lập đạt được, lo bởi chi phí dành cho 4 năm đại học không hề nhỏ. Tuy nhiên, dù vất vả nhưng bố mẹ Kiên vẫn ủng hộ con.
Trong suốt 4 năm học đại học, Kiên lăn lộn làm thêm nhiều nghề để có thêm chi phí trang trải cuộc sống và học tập, phụ giúp bố mẹ. Kiên cũng năng nổ, tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, phong trào của nhà trường. Thậm chí, Kiên còn tham gia nhiều tổ chức phi Chính phủ, qua đó cậu tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng cũng như các mối quan hệ. Bởi vậy, Kiên ra trường với nhiều cơ hội việc làm chào đón.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học, Kiên lựa chọn vào làm truyền thông cho Công ty Bảo vệ thực vật I Trung ương. Câu chuyện trúng tuyển vào Công ty Bảo vệ thực vật I Trung ương của Kiên cũng đầy lý thú, ngay từ vòng xét tuyển hồ sơ cậu đã được thông báo là không đáp ứng được những yêu cầu từ phía doanh nghiệp. Tuy vậy, khi biết được thời gian phỏng vấn trực tiếp, Kiên vẫn xin được phép tới tham gia.
Ngày phỏng vấn, các ứng viên đã lần lượt được gọi tên, chỉ có Kiên ngồi từ đầu tới cuối cùng chờ đợi cơ hội dù cậu không có tên trong danh sách ứng tuyển. Khi được vị Giám đốc hỏi tới, cậu thành thật trả lời mong muốn có được cơ hội làm việc tại công ty, dù học không đúng chuyên ngành nhưng Kiên tự tin: “Trước khi đến em đã tìm hiểu về các sản phẩm của công ty. Nếu anh chị cho em cơ hội thì em sẽ cố gắng hết sức mình, không ngại học hỏi để hoàn thành tốt công việc. Em tin bản thân có thể làm được”.
Lời nói đó của Kiên cùng câu chuyện về những cuốn sách mà cậu tâm đắc như “Cà phê cùng Tony” ... đã giúp cậu thuyết phục Hội đồng tuyển dụng.
Sau 2 năm làm việc, mức lương hàng tháng của anh là 15 triệu đồng. Đây là con số đáng mơ ước của nhiều người tại thời điểm đó. Đặc biệt, mức lương này cũng đã giúp thay đổi được phần nào cuộc sống, giống như ước mơ trước đó của cậu.
Ở Công ty Bảo vệ thực vật I Trung ương, Kiên phụ trách công việc quảng bá và phát triển sản phẩm tại huyện Đông Anh và Mê Linh - hai vùng rau lớn nhất của Hà Nội. Điều khiến Kiên bất ngờ là đa số các gia đình tại hai huyện này đều có cuộc sống ổn định, dù chỉ quanh năm gắn bó với đồng ruộng. “Nhiều gia đình giàu lắm, nhà to như biệt phủ”, Kiên kể lại.
Trong những buổi tiếp xúc, làm việc với người dân, Kiên mới được biết, tài sản của bà con nơi đây đều được gây dựng từ những bó rau, cân củ quả. “Quanh năm chúng tôi chỉ có rau, hết vụ này tới vụ khác” là câu nói của họ khiến Kiên bừng tỉnh.
Kiên bất ngờ khi thấy người dân nhiều nơi làm giàu từ chính các sản phẩm nông nghiệp. |
Chính sự thật đó đã khiến Kiên luôn trăn trở trước thực tế: Vì sao quê hương mình có đất đai trù phú, thời tiết thuận lợi, người dân cần cù, sớm tối chân lấm tay bùn nhưng không có thu nhập ổn định, vẫn không thoát nghèo. Khi đó, đa số người dân tại quê Kiên chỉ biết trồng lúa, quanh năm lam lũ cũng chỉ số ít đủ ăn đã được coi là khấm khá.
Nhận ra tiềm năng phát triển nông nghiệp tại quê nhà, sau hơn 2 năm làm việc tại Công ty Bảo vệ thực vật I Trung ương, Kiên quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp. Quyết định của Kiên khiến nhiều đồng nghiệp công ty cũng như gia đình không khỏi bất ngờ,nhưng khi nhìn thấy sự quyết tâm của anh, không ai ngăn cản mà chỉ ủng hộ và mong cho cậu thành công.
Năm 2016, ngày về quê, Kiên cầm số vốn vỏn vẹn 20 triệu đồng trong tay. Kiên tới nhiều cửa hàng bán vật tư nông nghiệp lớn tại TP Hòa Bình để xin làm người phân phối. Kiên lấy phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ các cửa hàng này để mang về xã bán cho bà con nông dân. Tuy nhiên, số tiền 20 triệu đồng không mua được bao nhiêu, bởi Kiên phải dành một phần để mua hạt giống từ các cửa hàng tại Hà Nội. Cực chẳng đã, Kiên xin các cửa hàng phân bón cho nợ tiền hàng, khi bán được sẽ quay lại trả. Để có được lòng tin của các chủ cửa hàng, Kiên phải lấy giấy tờ tùy thân ra đảm bảo.
Những gói hạt giống, cân phân bón chính là hành trang khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương của Kiên sau khi từ bỏ công việc với mức lương nhiều người mơ ước. |
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi bố của anh trở về, ông vừa qua nhà hàng xóm để vui “chén chú chén anh”. Nhìn bố, anh Kiên giãi bày, nơi đầu tiên anh quyết định lập nghiệp và mở cửa hàng không phải là xã Độc Lập mà tại quê ngoại của anh là ở xã Đú Sáng (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Lý do Kiên lựa chọn Đú Sáng bởi đây là quê mẹ, nơi anh cảm thấy “ấm áp” hơn dù mẹ anh đã mất nhiều năm trước đó.
Kiên kể rằng, trước đây bố anh là một người nghiện rượu, không được làng xóm coi trọng. Trong ký ức tuổi thơ của mình, Kiên luôn mặc cảm vì điều đó. “Lúc bình thường bố mình rất yêu quý con cái, chăm chỉ làm việc, nhưng khi ông uống rượu vào thì không nghe lời ai, say sưa hết ngày này sang ngày khác”, Kiên kể với chất giọng trầm buồn nhưng không mang chút gì ghét bỏ. Bởi vì, anh luôn bị ám ảnh với ánh mắt coi thường, kỳ thị của nhiều người dành cho gia đình chỉ vì bố là một người nghiện rượu mà Kiên đã quyết định chọn quê mẹ làm nơi đầu tiên khởi nghiệp.
Kiên nói, sâu thẳm trong quyết định trở chọn về quê lập nghiệp của Kiên là vì bố, vì gia đình. “Nếu ở lại thành phố anh sẽ chỉ được phần cho mình, còn bố và các chị ở nhà thì không. Khi các chị đi lấy chồng thì không còn ai lo cho bố, đó chính là một trong những điều khiến anh quyết định về quê lập nghiệp”, Kiên giãi bày. Anh học cách nhẫn nại, không còn hờn giận bố, ngược lại anh càng thương ông và quyết tâm làm giàu, thay đổi cuộc đời.
Trở lại câu chuyện về những ngày đầu khởi nghiệp, để có thể thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp truyền thống của bà con tại xã Đú Sáng và Độc Lập là việc không hề dễ dàng. Những ngày đầu, anh Kiên phải mang từng cân phân bón, lọ thuốc bảo vệ thực vật xuống trực tiếp từng ruộng, mời bà con dùng thử miễn phí và cam kết không chết cây trồng. “Khi thấy phun thuốc diệt cỏ mà cây ngô không chết thì bà con mới tin, mới truyền tai nhau, và từ đó anh mới có thể bán được hàng”, anh Kiên nhớ lại.
Kiên đã từng phải đi tới từng mảnh ruộng để thuyết phục bà con tại xã Đú Sáng và Độc Lập thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp truyền thống. |
Chưa dừng lại ở đó, anh Kiên còn vận động chuyển đổi cây trồng, từ chỉ trồng lúa sang trồng bí đao. Để bà con nghe theo, anh phải đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Kiên đã phải lặn lội tìm đến nhiều chợ đầu mối, tìm kiếm thông tin về các thương lái lớn, có uy tín tại các chợ ở Hải Dương, Hưng Yên, chợ đầu mối Vân Nội, Chương Dương, Long Biên, Cầu Giấy… để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Song song đó, Kiên còn chủ động tìm đến các cơ sở sản xuất giống cây trồng có uy tín của Viện Nông nghiệp, công ty hạt giống Nova để có được nguồn giống chất lượng cao về phục vụ sản xuất, kinh doanh. Kiên cũng phải xuống từng ruộng để hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc cho bí đao.
Những vườn bí sai trĩu quả là thành công đầu tiên mà anh Kiên giúp đồng bào mình thay đổi cuộc sống từ chính mảnh đất quê hương. |
Nhờ sự vận động của Kiên, từ 10 hộ gia đình ban đầu mà sau đó phong trào đã lan rộng, có thời điểm diện tích bí đao tại xã Độc Lập và Đú Sáng lên tới 100ha. Vào mùa thu hoạch có tới 20 – 30 xe của thương lái ra vào, mỗi xe có trọng tải lên tới 7 tấn. Chưa bao giờ quê hương Độc Lập nhộn nhịp tiếng cười, tiếng nói và các đoàn xe chở bí đao nối đuôi nhau như vậy. Nhờ cây bí mà thời điểm năm 2018 – 2019, đời sống của người dân Độc Lập, Đú Sáng thay đổi rõ rệt.
“Trước đây nếu chỉ trồng lúa, nhà nào đủ ăn, đủ mặc đã là tốt lắm rồi. Trồng lúa, ngô thì không bao giờ bà con có tiền 50 – 100 triệu đồng nhưng từ ngày chuyển qua trồng bầu bí và thắng lớn, bà con cầm trong tay 100 triệu đồng là bình thường. Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, mua được xe máy”, anh Kiên kể với giọng phấn khởi.
Cũng nhờ bà con đầu tư phát triển nông nghiệp, giờ đây anh Kiên đã mở 3 cửa hàng cung cấp giống, phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho người dân địa phương.
Cuộc họp thường niên Tổng kết kết quả quý I/2023, triển khai phương hướng sản xuất quý II và quý II tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Độc Lập. |
Không dừng lại đó, vào năm 2020, khi được sự động viên, ủng hộ của chính quyền địa phương, anh Kiên thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Độc Lập. Khi HTX đi vào hoạt động đã hỗ trợ sản xuất, tư vấn về khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân. HTX Độc Lập ban đầu có 10 thành viên, diện tích sản xuất gần 30ha bí xanh, đồng thời ký kết bao tiêu cho hàng chục gia đình với sản lượng hơn 2.000 tấn/năm.
Hiện tại, HTX đã thành lập được 3 tổ nhóm: Tổ nuôi dê với số lượng 3.000 con và Tổ sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của 80 hộ; và một Tổ trồng dược liệu với diện tích 5ha của 10 hộ gia đình.
Câu chuyện lập nghiệp của Kiên không chỉ có những thắng lợi, mà nó cũng mang những “nốt trầm buồn”. Kiên cười nói: “Người thân nhiều khi bảo mình là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bởi từ khi thành lập HTX Độc Lập anh Kiên đã cho bà con phát triển mô hình trồng bí đao theo tiêu chuẩn VietGap. Để bà con có thể canh tác theo tiêu chuẩn của VietGap, anh Kiên cũng phải đảm bảo đầu ra với giá thành cao hơn giá trung bình cho họ. Do sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap sẽ vất vả và khó khăn hơn nhiều.
Từ khi thành lập HTX Độc Lập anh Kiên đã cho bà con phát triển mô hình trồng bí đao theo tiêu chuẩnVietGap. |
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, anh Kiên đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm hữu cơ nhưng họ không dám cam kết giá mua với anh. Dù nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng nhiều doanh nghiệp lại mua với mức giá thấp hơn với giá mà anh Kiên đã cam kết với bà con nông dân. Để giữ uy tín với bà con, có thời điểm Kiên vẫn phải thu mua của bà con mức giá đã cam kết rồi bán lại cho các công ty thực phẩm với giá thấp hơn.
Hơn nữa, số lượng các công ty thực phẩm mua chỉ có hạn. Thời điểm năm 2020, khi được mùa bí đao, khắp 3 cửa hàng và nhà của anh Kiên chất đầy bí. Sản lượng bí đao của cả xã lên tới 60 tấn, trong khi đó các công ty thực phẩm chỉ mua được 20 tấn. Anh bất đắc dĩ phải mang bí ra các chợ đầu mối ngồi bán. Bán không kịp, bí bị thối, phải vứt đi rất nhiều.
“Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn. Thời điểm đó, tôi và chị gái đã rửa từng quả bí còn nguyên vẹn, thái mỏng và đem ra phơi để làm trà túi lọc bí đao. Vì bí đao mình đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nên chất lượng hoàn toàn đảm bảo”, Kiên kể lại.
Sau đó, anh đã mang bí đao khô xuống một cơ sở sản xuất trà thảo mộc tại TP Hòa Bình để xin mượn máy móc và tìm công thức để cho ra sản phẩm trà bí đao túi lọc đạt tiêu chuẩn. Kết quả là sản phẩm có tên “Trà bí đao túi lọc Hòa Bình” của anh đã bán được hơn 1000 hộp.
Sản phẩm “Trà bí đao túi lọc Hòa Bình” của anh cũng đạt giải Nhì trong cuộc thi “Thanh niên khởi nghiệp” do Tỉnh Đoàn Hòa Bình tổ chức. Tuy vậy, giải thưởng 5 triệu đồng từ cuộc thi không đủ để giúp mong muốn phát triển để địa phương có một sản phẩm OCOP.
Kiên giãi bày: “Tôi luôn trăn trở về sản phẩm trà bí đao túi lọc, tôi đã ăn ngủ và tự tay thiết kế từ vỏ hộp đến phối trộn công thức. Thậm chí tôi đã lập cả phương án về phát triển sản phẩm OCOP nhưng cũng chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Nếu giờ tôi vét hết tài sản của gia đình để làm thì cũng có thể, nhưng như thế là quá mạo hiểm nên lựa chọn phương án an toàn. Vì hiện tại, để duy trì và phát triển HTX Độc Lập cũng chủ yếu do tôi đầu tư”.
Các sản phẩm xà bông từ sản phẩm nông nghiệp của HTX Độc Lập. |
Dù sản phẩm trà bí đao không đạt được thành công như mong đợi nhưng từ tháng 6/2023, anh Kiên đã nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm xà bông mướp đắng, xà bông bí xanh, bông tăm sơ mướp, xà bông than tre... từ các nông sản của HTX Độc Lập. Các sản phẩm này được biết đến với thương hiệu "Ethnic Farm - Nâng tầm nông sản vùng dân tộc thiểu số".
"Là một HTX ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số – chặng đường phía trước còn đầy thử thách, không biết tương lai Ethnic farm sẽ đi đến đâu – nhưng quý vị yên tâm mỗi ngọn rau, trái bí, hay những bánh xà bông quý khách nhận được, đều là những sản phẩm an toàn và tâm huyết của HTX Độc Lập gửi gắm", đây chính là lời khẳng định mà anh Kiên thay mặt bà con HTX gửi tới khách hàng.
Đặc biệt, anh Kiên cho biết,việc các sản phẩm HTX Độc Lập được ủng hộ sẽ tạo động lực để bà con nông dân tại quê hương anh có thêm việc làm và tiếp tục sản xuất, làm kinh tế, thay đổi cuộc đời.
Đồng thời, anh Kiên cho biết một hoạt động hết sức nhân văn của HTX Độc Lập: "Hiện nay mỗi bánh xà bông Ethnic Farm – HTX sẽ trích lại 1.000 đồng để đóng góp vào quỹ khuyến học của địa phương". Hiện tại, trung bình mỗi tháng HTX Độc Lập bán được trung bình 1.000 sản phẩm.
Không phụ lòng những nỗ lực của anh, mới đây nhất, ngày 11/6 vừa qua, Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023), tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, anh Nguyễn Trung Kiên đã vinh dự được Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương trao tặng Bằng khen cho điển hình tiên tiến tiêu biểu nông dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao Bằng khen và hoa cho điển hình tiên tiến tiêu biểu nông dân Nguyễn Trung Kiên. Ảnh: Báo Nhân dân |
Là một người học ngành Văn hóa Dân tộc, Kiên cũng đã nhìn thấy nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch khám phá văn hóa tại xã Độc Lập. Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy, hướng bà con sang làm du lịch trải nghiệm không phải chỉ mình anh có thể làm được.
Hiện tại anh Kiên vẫn tiếp tục liên kết các hộ, đặc biệt là những người trẻ trong xã tham gia vào HTX, thúc đẩy họ cùng phát triển kinh tế. “Tôi không chỉ nghĩ làm giàu cho bản thân mà còn muốn tất cả mọi người cùng làm giàu. Tôi muốn có cơ hội chia sẻ, tạo động lực, cơ hội cho các bạn trẻ tại quê hương của mình làm giàu”, anh Kiên chia sẻ.