Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị tăng số lượng nhập ngũ, giảm thời hạn tại ngũ

(PLVN) - Bộ Quốc phòng trả lời cử tri tỉnh Bắc Ninh về kiến nghị tăng số lượng nhập ngũ, giảm thời hạn tại ngũ.
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Trước đó, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Ninh với nội dung: “Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng tăng số lượng công dân nhập ngũ, giảm thời gian tại ngũ và có chế tài chặt chẽ đối với công dân thuộc diện khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng như trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc phối hợp quản lý công dân trong diện khám tuyển nghĩa vụ quân sự”.

Với nội dung này, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời. Cụ thể, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự.

Quá trình hơn 8 năm thực hiện Luật đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Thực hiện Luật, hằng năm gọi công dân nhập ngũ và giải quyết hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ xuất ngũ một đợt; số lượng gọi công dân nhập ngũ trên cơ sở nhu cầu tổ chức biên chế của Quân đội và quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ như hiện nay đã bảo đảm cho Quân đội có lực lượng thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao; kết hợp chặt chẽ giữa củng cố và nâng cao tiềm lực quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, là cơ sở để các đơn vị có đủ thời gian huấn luyện, rèn luyện bảo đảm hạ sĩ quan, binh sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ kỹ, chiến thuật quân sự chuyên sâu; kỹ năng khai thác và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài hiện đại phù hợp với phương thức tác chiến mới; nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống; tạo nguồn lực dự bị động viên và cán bộ cơ sở chất lượng cao cho các cơ quan, địa phương sau khi xuất ngũ.

"Như vậy, nếu tăng số lượng gọi công dân nhập ngũ, giảm thời hạn phục vụ tại ngũ theo kiến nghị của cử tri thì hằng năm phải tổ chức gọi công dân nhập ngũ và giải quyết xuất ngũ hai đợt, dẫn đến khó khăn và tốn kém về vật chất, ngân sách, thời gian, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ khác của các địa phương và đơn vị (đặc biệt là tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đợt hai sẽ trùng vào mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học, gây phiền hà và sẽ dẫn đến nhiều đơn thư kiến nghị liên quan việc tạm hoãn gọi nhập ngũ của công dân). Bên cạnh đó, việc giảm thời gian phục vụ tại ngũ sẽ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội; về kinh tế, hằng năm Nhà nước phải chi thêm ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, huấn luyện, rèn luyện và thực hiện chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân", Bộ Quốc phòng nêu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 924/VPCP-NC ngày 12/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Quốc phòng lập đề nghị sửa đổi, bổ sung các Luật và Nghị định có liên quan đến Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ nghiên cứu lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; tổ chức tổng kết 8 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (giai đoạn 2016 - 2023), đánh giá tình hình thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghĩa vụ quân sự.

Bộ Quốc phòng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan, báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực và nghiêm minh.

Đọc thêm