Theo Bộ Quốc phòng, mục đích xây dựng dự thảo Nghị định là do thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Quy định các biện pháp thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng năm 2025. Điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cấp huyện đưa lên thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, một số nội dung đưa về thuộc thẩm quyền cấp xã, nhằm phân định rõ chức năng giữa các cấp chính quyền địa phương trong lĩnh vực về công tác quốc phòng, quân sự, địa phương, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo đó, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều về công tác quốc phòng ở Bộ ngành Trung ương, địa phương; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ hướng dẫn thực hiện Luật Quốc phòng; tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ; giáo dục quốc phòng và an ninh; quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự; quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai khi điều chỉnh về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã).
Một trong số những điểm đáng chú ý trong Nghị định là đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 16/2025/NĐ-CP ngày 04/02/2025 của Chính phủ.
Trong đó, sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 10 như sau:
Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó, trợ lý Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp được hưởng như sau: Sau 05 năm (đủ 60 tháng) công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó, trợ lý Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác ở các ngành nghề khác nếu được hưởng phụ cấp thâm niên thì được cộng nối thời gian đó với thời gian giữ các chức vụ chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại (1) nêu trên nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 10 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP, được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 16/2025/NĐ-CP như sau: “Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó, trợ lý Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.
Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng, trợ lý Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.”.