Sau khi được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Luật Quốc phòng năm 2018 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định, kế hoạch triển khai Luật Quốc phòng năm 2018. Theo đó, để bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, các bộ, ngành TƯ, địa phương cần triển khai thi hành Luật Quốc phòng năm 2018 đúng tiến độ, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Từng bộ, ngành phải có lộ trình cụ thể để triển khai Luật Quốc phòng năm 2018 thực sự thống nhất, toàn diện trên phạm vi cả nước; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật có liên quan về quốc phòng đã ban hành, để kịp Bộ Quốc phòng báo cáo trình Chính phủ xem xét.
Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm xây dựng trình Chính phủ các nghị định, đề án thi hành Luật Quốc phòng năm 2018, về các nội dung cụ thể như: Nghị định về phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ; thực hiện động viên quốc phòng; phòng thủ dân sự; kết hợp kinh tế-xã hội (KT-XH) với quốc phòng và quốc phòng với KT-XH; công tác quốc phòng ở bộ, ngành TƯ và địa phương; quy định chi tiết một số điều về tình trạng khẩn cấp và thiết quân luật, giới nghiêm; Nghị định thay thế Nghị định 77 về quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Theo đó, Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ chủ trì xây dựng 6 nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quốc phòng năm 2018. Do thời gian gấp rút, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị thành viên Ban soạn thảo cần chủ động phối hợp, nâng cao trách nhiệm, sớm hoàn thiện dự thảo các Nghị định để trình Chính phủ vào tháng 10/2018./.