Bộ Tài chính bị kêu tăng thuế “quá nhanh, quá nguy hiểm”

(PLO) - Ông Lê Viết Chín, chủ Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi, trụ sở tại số 72 Tăng Bạt Hổ, TP.Pleiku vừa có đơn gửi Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng kêu Bộ này không “thấu lý đạt tình” khi đùng đùng tăng thuế suất thuế xuất khẩu đối với sắn lát.
Doanh nghiệp cho rằng việc đột ngột tăng thuế xuất khẩu có thể khiến nông dân bỏ nghề trồng sắn
Tường trình của doanh nghiệp tư nhân phố núi
Nguồn cơn bắt đầu từ việc ngày 6/5 vừa rồi, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 63 sửa đổi mức thuế xuất khẩu (XK) đối với mặt hàng sắn (thuộc nhóm 07.14) từ 0% lên 5%. Mức thuế suất này có hiệu lực từ hôm 20/6. Ông Chín cho rằng, việc tăng thuế lên 5% như vậy là “quá cao, quá gấp, không phù hợp thực tế, gây khó khăn cho nông dân trồng sắn, nhất là người dân tộc nghèo vùng Tây Nguyên và gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát”.
Trong đơn, chủ doanh nghiệp phố núi khẳng định “những căn cứ mà Bộ Tài chính nêu để tăng thuế XK là không đúng”. Cụ thể, Bộ này tính toán với giá thu mua là 4,3 triệu đồng/tấn, giá XK hơn 4,8 triệu đồng/tấn, thuế XK là 0%, doanh nghiệp XK sắn lát được lãi hơn 567 nghìn đồng/tấn. Điều chỉnh tăng thuế  XK mặt hàng này từ 0% lên 5%, Bộ cho rằng doanh nghiệp XK vẫn có thể có lãi 324 nghìn đồng/tấn. 
Về vấn đề này, ông Chín phản bác: Doanh nghiệp thu mua sắn của nông dân để XK thì phải chi phí rất nhiều khoản, không đơn thuần như một phép tính của Bộ, như vay và trả tiền lãi cho ngân hàng, thuê kho để lưu trữ, bảo quản hàng một thời gian khá dài, hao hụt từ 10 – 15% và các chi phí khác như khử trùng, giám định, các loại phí khác khi XK hàng… Vì vậy, chỉ lỗ chứ không thể lãi 324 nghìn đồng/tấn được. 
Mặt khác, nguồn sắn lát XK của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… chủ yếu xuất  sang Trung Quốc, trong khi các nước Thái Lan, Indonesia đều không đánh thuế mà còn trợ giá cho người trồng sắn thì việc Bộ Tài chính tăng thuế lên 5% sẽ khiến sản phẩm trong nước không cạnh tranh được với các nước trong khu vực, “thiệt hại trước hết thuộc về nông dân nghèo, sau đó là doanh nghiệp XK và Nhà nước”.
Ông Chín cũng trần tình, các doanh nghiệp nói chung và Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi nói riêng đã ký các hợp đồng XK từ tháng 12/2014 và thực hiện giao hàng cho kế hoạch năm 2015. “Vì Gia Lai là vùng cao nguyên đặc thù, hàng hoá thu mua của nông dân vào mùa nắng tháng 12/2014 và chủ yếu trong các tháng 01, tháng 02/2015, nay chờ XK thì đột nhiên tăng thuế làm cho doanh nghiệp bị động… Điều này đã đẩy doanh nghiệp buôn bán sắn lát rơi vào tình thế đổ nợ, giải thể, khốn đốn, bỏ nghề. Nguy cơ nông dân bỏ trồng sắn, làm cho hàng trăm lao động rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp…” – đơn của chủ doanh nghiệp cho biết.
Ban Dân nguyện đề nghị trả lời
Doanh nghiệp cũng than thời gian qua, số sắn lát thu mua trên địa bàn Tây Nguyên chủ yếu XK, vì trong nước chỉ bán được cho các nhà máy cồn, nhưng các nhà máy này lại không có nguồn vốn lớn, không có khả năng chi trả tiền hàng cho doanh nghiệp và luôn tìm cách ép giá… 
“Bán sắn lát cho Nhà máy Tùng Lâm thì nhà máy nợ tiền quá lâu, có nhiều lô hàng nhà máy còn nợ đến nay đã 3 năm nhưng vẫn chưa thanh toán hết. Bán cho Nhà máy cồn Đại Việt tỉnh Đắk Lắk gần 6 tháng mới thanh toán xong. Bán cho Nhà máy Dung Quất tỉnh Quãng Ngãi cũng vài tháng sau mới nhận được tiền” – ông Chín kể. 
Chủ doanh nghiệp dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại Hội nghị Phát triển sắn bền vững diễn ra ngày 18/5 tại Hà Nội, nêu rõ: “Về lý thuyết, đánh thuế XK là đánh vào người nông dân chứ không phải đánh vào doanh nghiệp. Vấn đề này cần phải xem xét và đưa ra mức thuế hợp lý theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mua sắn cho nông dân theo giá thị trường, nhưng có những ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào chế biến”.
Được biết, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã chuyển đơn của ông Lê Viết Chín đến Bộ trưởng Bộ Tài chính và “trân trọng đề nghị đồng chí xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”. Trước đó, từ cuối tháng 5/2015, ông Chín đã có đơn gửi Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị xem xét không tăng thuế XK sắn lát trong năm 2015; kể từ năm 2016, nếu có tăng cũng chỉ nên tăng từ 1-2% để giúp bà con đảm bảo đời sống. Tuy nhiên, đơn gửi đi nhưng chưa thấy có hồi đáp.

Đọc thêm