Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô

(PLO) - Theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 122/2016/NĐ-CP, liên quan đến thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô, Bộ Tài chính đang cân nhắc 2 phương án giảm thuế. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, mục tiêu của việc giảm thuế này là nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng...

Ổn định tăng trưởng, tăng tỷ lệ nội địa hóa

Đối với nhà nước, mục tiêu của việc điều chỉnh thuế lẫn này là góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển; tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và góp phần hạn chế nhập siêu ô tô; Đối với doanh nghiệp phụ trợ là tăng nhu cầu đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước; Đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp là góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu; Đối với người tiêu dùng là góp phần tạo ra thị trường ô tô giá rẻ, chất lượng cao. 

Ngoài mục tiêu chung đó, việc điều chỉnh thuế đối với linh kiện ô tô và ô tô đã qua sử dụng là nhằm duy trì ổn định tỷ lệ tăng trưởng sản xuất, lắp ráp đối với 02 nhóm xe của Chương trình trong giai đoạn 2018-2022 là 16% /năm (xe dưới 9 chỗ) và 18%/năm (đối với xe tải)

Đồng thời tăng tỷ lệ số xe sản xuất, lắp ráp so với nhu cầu nội địa đối với 02 nhóm xe của Chương trình trong giai đoạn 2018-2022 đạt từ 80% trở lên.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đạt tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 40% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từ năm 2022 trở đi cho cả 02 nhóm xe của Chương trình. Cụ thể, đối với mẫu xe cam kết thuộc nhóm xe dưới 9 chỗ: năm 2018 là 20%; năm 2019 là 25%; năm 2020: 30%; năm 2021: 35%; năm 2022 là 40%; Đối với mẫu xe cam kết thuộc nhóm xe tải: năm 2018 là 10%; năm 2019 là 15%; năm 2020: 20%; năm 2021: 25%; năm 2022 là 40%).

Giảm thuế nhập khẩu linh kiện, tăng thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng

Theo Bộ Tài chính, Chương trình giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm, từ năm 2018-2022, có kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất lắp ráp (sản lượng chung cho các mẫu xe và sản lượng riêng cho một mẫu xe mà 1 doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết phải đạt được hàng năm) và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp cho 02 nhóm xe là: Nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi; Và nhóm xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi.

Theo yêu cầu đó, Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án giảm thuế:

+ Phương án 1: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 163 dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu để lắp ráp cho 02 nhóm xe về 0%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.

+ Phương án 2: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 02 nhóm xe từ các mức 3%, 5%, 10%, 15% 18%, 20%, 25%, 30%, 32%, 45%, 50% xuống 0% (do đây là một số linh kiện, phụ tùng trong giai đoạn tới Việt Nam chưa thể sản xuất) và giảm thuế suất của 42 dòng thuế thuộc nhóm 8708 (bộ phận và phụ kiện của xe ô tô) để lắp ráp cho 02 nhóm xe nêu trên từ các mức 15%, 20% và 25% xuống 10%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9 – 11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.  

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Nguyễn Thị Thanh Hằng , nội dung này, Bộ Tài chính đã có công văn 10451/BTC-CST ngày 08/8/2017 xin ý kiến các Bộ ngành về phương án sửa đổi thuế suất. “Chúng tôi đang tập hợp ý kiến để đưa vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 122/2016/NĐ-CP trong tháng 9 này...”- Bà Hằng cho hay.

Về phương án Bộ Tài chính đề xuất, bà Hằng nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu, đã có phương án nhưng chưa báo cáo Bộ nên xin phép chưa công bố”

Đối với ô tô đã qua sử dụng, đại diện Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, để hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế nhập khẩu đối với xe đã qua sử dụng phù hợp với cam kết WTO đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ, giữ nguyên thuế suất đối với xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở lên và xe ô tô tải. 

Được biết, Bộ Tài chính đã có công văn 11072/BTC-CST ngày 18/8/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định thay thế Nghị định 122/2016/NĐ-CP là từ ngày 01/1/2018. Riêng quy định tại Điều 9 Nghị định (nội dung sửa đổi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô) có hiệu lực ngay (áp dụng từ ngày 1/10/2017). Ngày 30/8/2017, Văn phòng chính phủ đã có công văn số 9246/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó TT Vương Đình Huệ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn 11072/BTC-CST.

Đọc thêm