Bộ tiêu chí an toàn trong lĩnh vực giao thông ở TP Hồ Chí Minh: Phương tiện muốn hoạt động phải đáp ứng điều kiện nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (20/9), Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP HCM đã ban hành bộ tiêu chí an toàn đầu tiên trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bộ tiêu chí này nhằm đánh giá độ an toàn về các hoạt động thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Một xe taxi chuyên vận chuyển F0 tại BV điều trị COVID-19 Thủ Đức.
Một xe taxi chuyên vận chuyển F0 tại BV điều trị COVID-19 Thủ Đức.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP (cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu và thực hiện), bộ tiêu chí sẽ áp dụng với 8 hoạt động chính gồm: Vận tải hàng hóa; Vận tải hành khách; Hoạt động tại bến xe, bến phà, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách, bến khách ngang sông; đào tạo sát hạch lái xe; xây dựng công trình giao thông; tại cảng biển, cảng thủy nội địa; tại các ga đường sắt; tại Cảng hàng không Quốc tế.

Theo bộ tiêu chí, các trường hợp được hoạt động khi đảm bảo đạt tất cả tiêu chí trong lĩnh vực của mình. Chỉ cần có một tiêu chí không đạt, trường hợp đó sẽ không được phép hoạt động trong thời điểm hiện nay.

Các hoạt động vận tải hàng hóa được hoạt động khi đảm bảo người điều khiển phương tiện, nhân viên đi cùng đã được tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc có xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19; có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực; thực hiện nguyên tắc 5K; trang bị dung dịch rửa tay, dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên phương tiện; có khuyến cáo và hướng dẫn người lao động chấp hành các biện pháp phòng, chống COVID-19; vệ sinh, khử khuẩn buồng lái sau khi kết thúc hành trình vận chuyển.

Các hoạt động vận tải hành khách được hoạt động khi người điều khiển phương tiện, người phục vụ đi cùng đã được tiêm vaccine COVID-19 đủ liệu trình, mũi tiêm gần nhất đã đủ 14 ngày; có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực; thực hiện nguyên tắc 5K; trang bị dung dịch rửa tay, dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên phương tiện; có khuyến cáo và hướng dẫn người lao động chấp hành các biện pháp phòng, chống COVID-19; đảm bảo độ thông thoáng trên xe; vận chuyển không quá 50% sức chứa; có hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; vệ sinh, khử khuẩn phương tiện khi kết thúc hành trình; có vách ngăn giữa người điều khiển phương tiện và hành khách.

Các bến xe, bến phà, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách, bến khách ngang sông được hoạt động khi người lao động đã được tiêm vaccine COVID-19 đủ liệu trình, mũi tiêm gần nhất đã đủ 14 ngày; tất cả người lao động được xét nghiệm định kỳ theo quy định ngành y tế; thực hiện nghiêm quy tắc 5K; có thành lập BCĐ hoặc tổ công tác, kế hoạch đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19; có phương án xử lý ca nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2; tuyên truyền, phổ biến các quy định phòng, chống dịch; vệ sinh, khử khuẩn toàn khu vực định kỳ hàng tuần; có hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; trang bị camera giám sát và tầm soát nhiệt; có sơ đồ hướng dẫn và tổ chức lối ra, vào riêng biệt, một chiều.

Lực lượng chức năng kiểm soát giấy đi đường của các phương tiện tại TP HCM.

Lực lượng chức năng kiểm soát giấy đi đường của các phương tiện tại TP HCM.

Việc đào tạo sát hạch lái xe được hoạt động khi người lao động đã được tiêm vaccine COVID-19 đủ liệu trình, mũi tiêm gần nhất đã đủ 14 ngày; học viên đã đủ 14 ngày sau khi tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ nhất; người lao động, học viên được xét nghiệm định kỳ; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; đảm bảo mật độ lao động, học viên đảm bảo an toàn đối với công tác đào tạo và sát hạch; cung cấp, bố trí vật tư y tế, máy đo thân nhiệt cho người lao động tại vị trí tiếp xúc nhiều người; có hợp đồng với đơn vị y tế hay có cán bộ y tế riêng; tuyên truyền người lao động, học viên người dân chấp hành quy định phòng, chống COVID-19; vệ sinh, khử khuẩn nơi giảng dạy, sát hạch…

Các công trình giao thông được hoạt động xây dựng trở lại khi đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường; có kế hoạch, phương án thi công gắn với công tác phòng, chống dịch; người lao động được tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc có xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19; xét nghiệm định kỳ theo quy định ngành y tế; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; ứng dụng công nghệ trong quản lý; trang bị đủ trang, thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết.

Cảng biển, cảng thủy nội địa được hoạt động lại khi tuân thủ các quy định của Bộ GTVT về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch với hoạt động hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19; quản lý, kiểm tra, giám sát thuyền viên, hành khách, tàu thuyền nhập cảnh, quá cảnh và các hoạt động tại cảng; đạt các tiêu chí về tiêm chủng vaccine COVID-19 với từng khoảng thời gian cụ thể; người lao động tại cảng được xét nghiệm định kỳ.

Các ga đường sắt được hoạt động lại khi tuân thủ các quy định của Bộ GTVT về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động đường sắt trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19; người lao động đã tiêm đủ liệu trình vaccine COVID-19, mũi gần nhất đã qua 14 ngày; xét nghiệm định kỳ theo quy định ngành y tế.

Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất hoạt động lại khi tuân thủ các quy định của Bộ GTVT về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động hàng không trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19; người lao động đã tiêm đủ liệu trình vaccine COVID-19, mũi gần nhất đã qua 14 ngày; xét nghiệm định kỳ theo quy định ngành y tế.

6 tiêu chí với cửa hàng ăn uống:

Ngày 20/9, BCĐ phòng, chống COVID-19 TP HCM cũng đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định liên quan công tác phòng, chống dịch. Để được mở cửa lại, các cơ sở cần đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí an toàn.

Tiêu chí 1: Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tiêu chí 2: Cơ sở cần đảm bảo điều kiện an toàn an toàn thực phẩm theo đúng quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu và chứng từ liên quan.

Tiêu chí 3: Người lao động, khách hàng, người giao nhận hàng, người liên hệ phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Những người này cần được tiêm ngừa vaccine COVID-19, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính SARS-CoV-2.

Tiêu chí 4: Cơ sở kinh doanh phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống COVID-19 theo hướng dẫn ngành y tế đối với người lao động, người ra vào. Các đơn vị phải đảm bảo quy tắc 5K, đo thân nhiệt.

Tiêu chí 5: Cơ sở phải bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn, có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô dùng một lần.

Tiêu chí 6: Cơ sở phải xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống COVID-19, khu vực ăn uống đảm bảo mật độ tối thiểu 4m2 một người, khoảng cách tối thiểu 2m hoặc bố trí vách ngăn.

BCĐ phòng, chống COVID-19yêu cầu, tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo 5 tiêu chí đầu tiên mới được hoạt động. Tiêu chí thứ 6 áp dụng với cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ của cơ quan, doanh nghiệp có tổ chức khu vực ăn uống cho nhân viên.

Với các hoạt động của siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, BCĐ yêu cầu các đơn vị tuân thủ theo 5 tiêu chí gồm: Có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Đảm bảo điều kiện an toàn an toàn thực phẩm theo đúng quy định; Khu vực kinh doanh đảm bảo mật độ tối thiểu 4m2 một người, khoảng cách tối thiểu giữa 2 người là 2m; Bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m; Người lao động, người đến cơ sở phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đọc thêm