Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình: “Tấm khiên” bảo vệ gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gia đình là nền tảng của xã hội, nơi mỗi người được nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển nhân cách. Để xây dựng và bảo vệ giá trị thiêng liêng này, Bộ VH,TT&DL đã ban hành "Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình". Đây không chỉ là “kim chỉ nam” cho các hành vi, lối sống mà còn là tấm khiên vững chắc bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Bộ Tiêu chí đã bao quát được hết các đối tượng cấu thành nên một gia đình hạt nhân hoặc một “đại gia đình” ở quy mô rộng lớn hơn. (Ảnh: Mai Anh Phạm).
Bộ Tiêu chí đã bao quát được hết các đối tượng cấu thành nên một gia đình hạt nhân hoặc một “đại gia đình” ở quy mô rộng lớn hơn. (Ảnh: Mai Anh Phạm).

Công cụ định hướng, hóa giải nguy cơ

Có thể nói, nền tảng của gia đình hiện nay đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức từ cuộc sống hiện đại. Các yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến sự hòa thuận, ổn định trong gia đình mà còn đe dọa đến hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của các thành viên trong gia đình.

Theo các chuyên gia xã hội học, có nhiều nguy cơ mà hiện các gia đình đang phải đối mặt, có thể kể đến sự thiếu thời gian dành cho nhau của các thành viên trong gia đình; Sự bùng nổ của công nghệ dẫn đến giảm tương tác của các thành viên; Sự biến đổi trong nhiều quan niệm xã hội và khoảng cách thế hệ; Bạo lực gia đình, các vấn đề về tài chính, sự mất cân bằng trong việc phân chia vai trò trong gia đình, sự mất kết nối về mặt tình cảm trong một xã hội sống vội và giá trị vật chất lên ngôi...

Tất cả những yếu tố ấy dẫn đến nhiều rạn nứt, đứt gãy trong nền tảng gia đình, dẫn đến những hệ quả có thể chứng kiến được như con cái không nghe lời cha mẹ, lối sống buông thả trong một bộ phận thanh, thiếu niên, chứng trầm cảm ở con trẻ, sự thiếu thủy chung trong gia đình, tỉ lệ ly thân, ly hôn tăng cao...

Gia đình là tế bào của xã hội. Một khi nền móng gia đình không vững chắc, thì hẳn nhiên, hậu quả dẫn đến là những xáo trộn, bất ổn trong xã hội, là cái tiêu cực, cái xấu bắt đầu lan tràn.

Để hóa giải những nguy cơ ấy, đưa ra một định hướng cho sự phát triển bền vững của gia đình, ngày 28 tháng 01 năm 2022, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã ký Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Mục đích của Bộ Tiêu chí nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.

Bộ Tiêu chí nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.

Với các đối tượng là thành viên gia đình gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh, chị, em nuôi; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại, cháu nuôi; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng... Bộ Tiêu chí đã bao quát được hết các đối tượng cấu thành nên một gia đình hạt nhân hoặc một “đại gia đình” ở quy mô rộng lớn hơn. Bằng việc bao quát này và đưa ra các tiêu chí ứng xử cho mọi đối tượng, Bộ Tiêu chí đã trở thành một “cẩm nang” đầy chi tiết về hành xử, đạo đức, lối sống... cho các thành viên trong gia đình.

“Tấm khiên” bảo vệ hạnh phúc gia đình

Bộ Tiêu chí đề cao sự chung thủy, nghĩa tình trong mối quan hệ vợ chồng, là “kim chỉ nam” cho các cuộc hôn nhân. (Ảnh: MT)

Bộ Tiêu chí đề cao sự chung thủy, nghĩa tình trong mối quan hệ vợ chồng, là “kim chỉ nam” cho các cuộc hôn nhân. (Ảnh: MT)

Để ra đời Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình hoàn chỉnh năm 2022, công tác xây dựng từ năm 2019 đến năm 2020 - 2021 được triển khai thí điểm ở 12 tỉnh, thành trong cả nước. Trải qua kinh nghiệm thí điểm từ các tỉnh, thành, các gia đình cụ thể, đến nay, Bộ Tiêu chí đã trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu, là “kim chỉ nam” cho các gia đình hiện đại với sức lan tỏa mạnh mẽ.

Để làm rõ vì sao Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình lại có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình Việt, có thể phân tích những yếu tố quan trọng mà Bộ Tiêu chí đặt ra.

Đối với tiêu chí ứng xử chung trong gia đình, Bộ Tiêu chí đưa ra bốn yếu tố thiết yếu là: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Trong đó, nguyên tắc "Tôn trọng": Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau. Nguyên tắc "Bình đẳng": Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Nguyên tắc "Yêu thương": Có tình cảm gắn bó, quan tâm, chăm sóc nhau. Nguyên tắc "Chia sẻ": Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Cạnh đó, Bộ Tiêu chí còn đưa ra những tiêu chí chi tiết cho mỗi mối quan hệ, như tiêu chí ứng xử của vợ, chồng đề cao sự chung thủy, nghĩa tình. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con, ông bà với cháu cần đến sự gương mẫu, yêu thương. Giữa con cháu với ông bà cần hiếu thảo, lễ phép. Giữa anh chị em cần hòa thuận, chia sẻ.

Cùng với đó là các khẩu hiệu trong gia đình như: "Ứng xử trong gia đình: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ"; "Vợ, chồng chung thủy, nghĩa tình"; "Cha mẹ, ông bà gương mẫu, yêu thương con cháu"; "Con, cháu hiếu thảo, lễ phép với cha mẹ, ông bà"; "Anh, chị, em trong gia đình hòa thuận, chia sẻ"; "Hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh"; "Gia đình - nơi của yêu thương và chia sẻ"; "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình"; "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình"...

Những tiêu chí cũng như khẩu hiệu này nhấn mạnh các giá trị cơ bản trong việc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, nhằm tạo dựng và duy trì hạnh phúc gia đình. Việc tôn trọng, yêu thương, trách nhiệm, chia sẻ... là những yếu tố then chốt giúp xây dựng một môi trường gia đình ấm cúng và bền vững.

Trong những năm qua, việc áp dụng Bộ Tiêu chí trong gia đình đã được các địa phương thực hiện một cách tích cực, từ đó đem lại những kết quả tốt đẹp trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Đơn cử, tại Hội nghị “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” diễn ra vào tháng 10/2023 tại Hà Nội đã cho thấy những chuyển biến rõ rệt trong đời sống gia đình tính từ thời điểm thí điểm Bộ Tiêu chí năm 2019. Theo thống kê, năm 2022, 88% gia đình Thủ đô đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0,5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019). Việc thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô, tác động từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Tương tự, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã chứng kiến những kết quả tốt đẹp, nhiều chuyển biến đáng kể trong đời sống gia đình và xã hội, xuất hiện nhiều gương điển hình về mẫu mực, văn hóa ứng xử trong gia đình...

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, các giá trị gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức. Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình chính là tấm khiên bảo vệ gia đình khỏi những tác động tiêu cực này. Nó giúp mỗi thành viên trong gia đình nhận thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình, nhận thức rõ về giá trị của gia đình trong cuộc sống, từ đó cùng nhau xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội, khi mỗi gia đình đều vững mạnh thì xã hội mới có thể phát triển bền vững. Vì vậy, việc áp dụng và tuân thủ Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, không chỉ giúp gia đình trở nên hòa thuận, hạnh phúc mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, giúp giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Đọc thêm