Cho ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, tình hình an ninh nông thôn hiện nay rất phức tạp, vai trò của công an xã là hết sức quan trọng.
“Nếu có lực lượng chính quy, các vụ việc xảy ra ở cơ sở sẽ được giải quyết dứt điểm, đảm bảo đúng pháp luật; xây dựng môi trường sống yên bình tại thôn bản”, Đại biểu nhận định.
Tuy nhiên, Đại biểu Thưởng cho rằng cần đánh giá toàn diện, đầy đủ tất cả các tác động của quy định này bởi thực tế cả nước hiện nay có hơn 9.330 xã, nếu mỗi xã có 5 cán bộ công an chính quy, Bộ Công an phải bố trí trên 4 vạn cán bộ.
“Điều này có ảnh hưởng gì đến đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia không? Mặt khác, khi đã có lực lượng chính quy thì phải xây dựng thêm trụ sở làm việc, các điều kiện đảm bảo và chế độ chính sách kèm theo, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì có cần thiết không? Bên cạnh đó, lực lượng công an xã hiện hành phải giải quyết như thế nào cũng là vấn đề cần đặt ra và có lộ trình giải quyết cho phù hợp”, Đại biểu đặt vấn đề.
Cho rằng việc tổ chức công an chính quy ở xã là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới nhưng Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cần có một chương riêng quy định cụ thể về xây dựng lực lượng công an xã chính quy.
Bởi lẽ, hiện nay hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy nên cần quy định cụ thể về vấn đề xây dựng lực lượng công an xã chính quy để tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, thực hiện đồng bộ trong cả nước.
Vẫn theo Đại biểu Tạo, về lộ trình cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ để áp dụng một cách thống nhất.
“Nếu bố trí công an chính quy ở xã thì lực lượng công an xã hiện nay sẽ giải quyết như thế nào? Phần lớn lực lượng công an xã không đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện về bằng cấp, nghiệp vụ để chuyển thành công an chính quy, nhưng họ là lực lựng có kinh nghiệm thực tiễn nắm bắt địa bàn, đối tượng. Đối với công an xã không phải là công an chính quy sẽ áp dụng chế độ tuyển chọn hay tuyển dụng? cCơ quan nào tuyển chọn, chế độ, chính sách như thế nào? Đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu và sớm có quy định để hạn chế các tác động tiêu cực đến lực lượng công an xã đã và đang hoạt động thực tế hiện nay ở địa phương”, Đại biểu đề nghị.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định việc chính quy hóa lực lượng Công an xã đã có chỉ đạo của Bộ Công an, cơ quan soạn thảo cũng đã có văn bản của Đảng ủy Công an Trung ương gửi cho tất cả các Ban Thường vụ tỉnh ủy của 63 tỉnh trong cả nước và hiện nay cũng đã nhận được khoảng 40 ý kiến phản hồi của ban thường vụ các tỉnh.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình tại phiên họp. |
“Trong số 40 tỉnh này thì cơ bản, gần như 100% các Ban Thường vụ tỉnh ủy đều nhất trí với chủ trương này. Khi Quốc hội thông qua luật này để triển khai ở các địa phương, một số địa phương đã đề nghị triển khai ngay. Tất cả những cán bộ công an không chính quy là công chức ở xã theo điều chỉnh của tỉnh trước đây và Hội đồng nhân dân các tỉnh trả lương thì các tỉnh đề nghị là Ban Thường vụ tỉnh ủy sẽ chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp quận, huyện, xã sẽ giải quyết vấn đề này, lực lượng công an sẽ triển khai sớm theo như quy định”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, có những địa phương hiện đã triển khai lực lượng công an chính quy được 5 tháng. Tổng kết đánh giá cho thấy kết quả rất tốt, hầu hết đều mong muốn triển khai và không có địa phương nào có ý kiến khác trong triển khai lực lượng Công an xã chính quy.
“Qua một số các địa phương thì cũng đã triển khai và đánh giá tốt, thậm chí đã đánh giá số lượng các vụ án và vụ việc vi phạm pháp luật trong địa phương đó giảm 50% từ khi triển khai lực lượng Công an xã chính quy, thậm chí có ngày ở địa bàn không xảy ra những vụ phạm pháp và vi phạm pháp luật”, ông Lâm cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định Bộ Công an đã cam kết với Quốc hội từ khi trình dự án luật này là sẽ không tăng biên chế.
“Điều cam kết này hoàn toàn có cơ sở vì trên thực tế đây là một việc đánh giá và bố trí lại lực lượng trong công an nhân dân. Việc này thì Chính phủ cũng đã đồng ý là từ nay cho đến năm 2021, Bộ Công an không tăng một biên chế nào, toàn bộ là sắp xếp trong nội bộ và duy trì biên chế hiện có. Từ nay cho đến năm 2021 khi mà sắp xếp, bố trí lực lượng công an xã, thậm chí có thể nếu hoàn chỉnh, khi Luật Công an nhân dân ra đời, cũng không tăng biên chế”, Bộ trưởng Công an khẳng định về vấn đề nhiều đại biểu có băn khoăn, lo lắng.
Trước băn khoăn về việc giải quyết như thế nào đối với lực lượng công an xã không chuyên trách hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, Bộ Công an đánh giá đây là lực lượng rất quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt là cơ sở, không thể thiếu được vì lực lượng quần chúng, nhất là các quần chúng tích cực tham gia vào trong việc đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Đây là một lực lượng mà lực lượng Công an phải dựa vào. Theo lộ trình, Bộ Công an sẽ báo cáo Quốc hội sẽ cho phép được xây dựng một dự luật về lực lượng trị an ở cơ sở, trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh Công an xã đang có hiệu lực, đang thực hiện và tổng kết Pháp lệnh Lực lượng bảo vệ bảo vệ cơ quan, xí nghiệp. Hiện nay, ở các xí nghiệp, cơ quan còn tồn tại một lực lượng bảo vệ cũng làm những nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở trong cơ quan, xí nghiệp của mình cũng phải điều chỉnh theo luật pháp, tổng kết Nghị định 38 về lực lượng dân phòng ở các khu phố. Tất cả những văn bản dưới pháp luật sẽ được điều chỉnh.
“Đây là lực lượng quần chúng tham gia và thậm chí còn phát triển hơn với lực lượng Công an xã không chính quy ở các địa phương khi lực lượng công an chính quy làm nòng cốt ở các cơ sở này. Đây là hướng để giải quyết lực lượng này chứ không phải bây giờ đều chuyển ra các lực lượng khác và không tham gia lực lượng bảo vệ trật tự trị an ở cơ sở”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.