Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào nhóm vấn đề hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu
Tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Phùng Đức Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH) đặt câu hỏi về cơ chế, chính sách để giúp các viện, trường tháo gỡ khó khăn trong thương mại hóa, đẩy nhanh các kết quả nghiên cứu vào đời sống xã hội. Trả lời tại phiên họp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu là một trong những trăn trở của Bộ KHCN hiện nay.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, kết quả rà soát, đánh giá chung về hạn chế của KHCN cho thấy có hạn chế xuyên suốt là chậm đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Ông Anh cho rằng, chúng ta đã có nền tảng đổi mới của Luật KHCN sửa đổi 2013, có chủ trương nhưng đang thiếu phần cơ chế chính sách của nhà nước để hỗ trợ quá trình thương mại hóa này. Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Bộ KHCN sẽ không chỉ phát triển KCHN mà sẽ tăng cường đổi mới sáng tạo, tức bao gồm cả thương mại hóa các kết quả nghiên cứu….
Trước câu hỏi của ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) về việc có hay không tình trạng đề tài NCKH “để ngăn tủ”, nghiên cứu chỉ để nghiên cứu chứ không có giá trị ứng dụng vào thực tiễn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, đây là điều Bộ KHCN cũng rất trăn trở, bởi với trách nhiệm trước từng đồng thuế của nhân dân thì chậm ứng dụng vào cuộc sống trên tất cả các mặt trận đều là lãng phí.
Tuy nhiên theo ông Chu Ngọc Anh, đặc thù của khoa học là có độ trễ, độ rủi ro (như có những nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ công ích…). Do đó, muốn giải quyết một cách hệ thống việc này thì cùng với việc nối KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KHCN đang tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu KHCN, chuyển sang giai đoạn phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cho KHCN cũng đang chuyển động theo hướng tích cực, đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội.
Đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Minh Đức (Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của QH) về việc triển khai sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước vào trong thực tiễn còn khó khăn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, việc giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu cho các tổ chức để tiếp tục phát triển thương mại hóa là rất tốt, gắn với quá trình tự chủ, xã hội hóa việc nghiên cứu. Song, trong thực hiện lại chưa đồng bộ.
Phát hiện việc này, Bộ KHCN đã báo với Bộ tài chính nếu sửa luật Quản lý sử dụng tài sản công thì sửa đổi theo hướng, phần hữu hình sẽ được quản lý theo luật quản lý sử dụng tài sản công, còn phần vô hình sẽ theo tinh thần của Luật sở hữu tài sản trí tuệ. Với giải pháp này, việc sử dụng các nghiên cứu vào thực tiễn sắp tới sẽ được gỡ vướng; đồng thời, giúp theo dõi các kết quả nghiên cứu với tư cách tài sản cả hữu hình và vô hình, tạo điều kiện cho thương mại hóa các nghiên cứu.
Sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị hướng đến toàn cầu
Liên quan đến vấn đề ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng, một vấn đề lớn đặt ra trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua cần lưu ý đó là tình trạng phải giải cứu nông sản.
“Trước đây, chúng ta giải cứu dưa hấu, giải cứu đường, giải cứu hành tỏi… hiện nay là giải cứu xu hào, củ cải…”- bà Nga nêu thực tế và đề nghị không chỉ Bộ Trưởng Bộ KHCN, mà cả các Bộ khác, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cần có những giải pháp nào dưới góc độ KHCN?
Trả lời, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KHCN nhận thấy KHCN trong nông nghiệp là khâu quan trọng trong sản xuất nên bộ đã đặt hàng một số doanh nghiệp hỗ trợ, cùng với đó nước ta có ký nghị định thư với một số nước để chuyển giao nhanh nhất công nghệ trong nông nghiệp.
“Giải pháp căn cơ lĩnh vực này là chúng ta phải có những chính sách thị trường phù hợp và việc này sẽ được xử lý trong liên minh chuỗi sản xuất”, Bộ trưởng Ngọc Anh nhấn mạnh và cho biết trước mắt bộ thống nhất với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để toàn bộ sản phẩm của quốc gia là trái cây sẽ được nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Theo Bộ trưởng Ngọc Anh, ngay trong năm nay, 8 nhà máy được triển khai theo chuỗi sản xuất sẽ tạo cơ hội cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Thông tin thêm đến các ĐB, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện tại nền nông nghiệp nước ta còn 2 bất cập lớn là chế biến và tổ chức thị trường. Theo Bộ trưởng Cường, thực hiện chủ trương của QH và Nghị quyết của Chính phủ, chúng ta tập trung tái cơ cấu nông nghiệp và đi sâu vào giải quyết 2 vướng mắc trên.
“Ví dụ về rau quả, chúng ta tập trung về thể chế, cơ chế, chính sách KHCN, tổ chức chỉ đạo sản xuất. Ngay trong năm nay chúng ta sẽ khởi công 8 nhà máy sản xuất các nhóm ngành hàng về nông nghiệp. Sắp tới, chúng ta sẽ khởi công nhà máy ở Long An với tổng công suất là 200 nghìn tấn cùng chuỗi sản phẩm từ 20 đến 25 sản phẩm, tiếp đến là Tây Nguyên, Đồng Tháp, Gia Lai, Sơn La, Bắc Gia cũng trong năm nay khánh thành”, Bộ trưởng Cường nói.
Cũng theo người đứng đầu Ngành Nông nghiệp, các bộ, ngành sẽ xác định nút thắt của từng nhóm ngành hàng để tập trung đầu tư KHCN và tập trung các giải pháp tổ chức sản sản xuất. “Với 8,6 triệu hộ sản xuất hiện tại, ta không thể giải quyết hết công việc trong một năm nhưng chúng ta sẽ tập trung thực hiện từng bước Nghị quyết của QH, đó là tập trung tái cơ cấu từng ngành hàng đi đúng hướng: sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị hướng đến toàn cầu, khắc phục tồn tại trước đây”, Bộ trưởng Cường cho hay.
Theo báo cáo của Bộ KHCN, giai đoạn 2016-2018, chi ngân sách nhà nước cho KHCN được đảm bảo ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu kinh phí đầu tư phát triển/kinh phí sự nghiệp KH&CN tiếp tục được đảm bảo theo tỷ lệ 40/60. Hiện, cả nước có gần 168.000 người tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Tổng số cán bộ nghiên cứu toàn thời gian của Việt Nam có gần 63.000 người (7 người/vạn dân).