"Bên cạnh đó, qua trả lời chất vấn, đồng bào và cử tri cả nước hiểu rõ thêm vai trò, tầm quan trọng của pháp luật và chia sẻ thêm công việc của Bộ, ngành Tư pháp, cán bộ ngành Tư pháp cũng tự hào vì đang làm công việc rất cần thiết cho đất nước, cho người dân." - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.
Sẽ triển khai rốt ráo những vấn đề đề cập trong chất vấn
Sau đây, Bộ Tư pháp có kế hoạch gì để triển khai những vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn?
- Chắc chắn là sau đây, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành vì triển khai Hiến pháp, thi hành pháp luật là việc chung của cả hệ thống mà trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, bao gồm cả Thủ tướng và các thành viên Chính phủ chứ không phải của riêng ai. Đương nhiên, Bộ Tư pháp phải có trách nhiệm chính nên cũng sẽ ban hành kế hoạch riêng để triển khai thực hiện rốt ráo những vấn đề mà Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra và Chủ tịch Quốc hội kết luận.
Cụ thể là, trong sửa đổi Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự sắp tới, phải bảo vệ tốt nhất những quyền con người, quyền công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp, bảo vệ chế độ, an ninh quốc gia, nhất là rà soát kỹ những quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân ngoài 4 trường hợp mà Hiến pháp đã quy định và điều chỉnh; đồng thời, “dọn dẹp phát quang” hệ thống pháp luật, xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp, nhất là nghiên cứu bổ sung đậm nét vấn đề tổ chức thi hành pháp luật, trách nhiệm của các Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng như trách nhiệm chung của Chính phủ trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, ban hành văn bản sai về nội dung, trái với quy định của văn bản cấp trên để tháng 6 sang năm trình Quốc hội.
Như vậy, ý ông là Luật Ban hành văn bản hiện hành chưa chú trọng về thi hành pháp luật?
- Đúng là chưa có nên trong Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi đã trình và Chính phủ đã đồng ý là sẽ có chương về tổ chức thi hành pháp luật, nhưng chưa nghĩ đến trách nhiệm cụ thể.
Bộ trưởng có nói “hệ thống pháp luật của mình phức tạp nhất thế giới khiến “vừa mừng, vừa lo”, mừng là vì nhiều luật, nhưng cũng lo vì phức tạp sẽ khó triển khai”?
- Nhiều luật thì cũng tốt, nhưng vấn đề ở đây không chỉ có luật mà còn hệ thống văn bản dưới luật, đến tận chỉ thị của cấp xã, làm cho rối tinh lên. Chủ tịch Quốc hội nêu rất trúng, về vấn đề này có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương, không phải chỉ có trách nhiệm của Trung ương. “Rừng luật” là ở chỗ đó, theo nghĩa cả số lượng và sự rậm rạp, khó tìm lối, khó chấp hành và chi phí tuân thủ rất cao. Những điều tôi đã hứa hôm nay là tôi quyết tâm sẽ làm, cố gắng đến cuối năm 2014 đạt được những chỉ tiêu cơ bản mà Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết 37.
Sắp tới, chúng ta sẽ giải quyết tình trạng nhiều luật và văn bản chưa phù hợp Hiến pháp như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Kế hoạch của Chính phủ và Quốc hội cũng đã đề ra rồi, nhưng vấn đề đòi hỏi phải có thời gian vì đây là công việc rất đồ sộ, trong khi cách hiểu về Hiến pháp, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp đang còn khác nhau nên còn có ý kiến chưa thống nhất và nhiều vấn đề đang phải bàn luận.
Không giao TANDTC giải thích pháp luật sẽ vẫn có nhiều thông tư
Vậy trong tình hình đó, cơ quan nào sẽ đưa ra cách giải thích thống nhất về Hiến pháp?
- Sắp tới trình Luật Tổ chức Chính quyền địa phương thì khi đó mới thống nhất về cách hiểu. Về nguyên tắc, những văn bản trái Hiến pháp từ năm 2014 là phải dừng lại, nhưng vấn đề là cơ quan nào rà soát các văn bản này từ khi Hiến pháp thông qua đến khi Hiến pháp có hiệu lực, bao giờ có kết quả rà soát. Nên nếu kết quả xử giám đốc thẩm của TANDTC được phát triển thành án lệ thì tôi cho là giải pháp tối ưu.
Việc sử dụng án lệ liệu có phải là lối thoát cho tình trạng hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh hiện nay?
- Ở tất cả các nước vẫn giao cho TANDTC một vai trò quan trọng là giải thích pháp luật. Nếu không trao cho Tòa án quyền này thì đó sẽ là vật cản, từ đó các Bộ phải ban hành nhiều thông tư. Trong trường hợp pháp luật chưa có quy định, nhưng là Tòa án (cụ thể là thẩm phán) phải dùng nội tâm để xem công lý, công bằng ở chỗ nào mà xử cho đúng. Nếu pháp luật chưa quy định thì bản án đó của TANDTC sẽ trở thành án lệ để tất cả những vụ việc tương tự ở dưới phải theo. Từ đó cũng điều chỉnh hành vi của mọi người, thế nào là sai, đúng. Và trong trường hợp pháp luật quy định “mờ”, dẫn đến lúng túng khi áp dụng vào từng trường hợp, tranh chấp cụ thể thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải quyết và đó sẽ thành án lệ.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!