Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc tại Lai Châu

(PLO) - Tiếp tục chuyến công tác các tỉnh Tây Bắc, trong hai ngày 18,19/5, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc tại Lai Châu
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Chử; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Ngọc An; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Thành cùng lãnh đạo nhiều Sở, ban ngành.
Nhìn lại chặng đường 10 năm sau chia tách từ tỉnh Lai Châu cũ, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Chử vui mừng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lai Châu bình quân đã đạt 13%, riêng năm 2013 đạt 14,1%; thu ngân sách trên địa bàn tăng cao, năm 2013 đạt trên 600 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với năm 2004... 
Tỉnh cũng đã tập trung mọi nguồn lực xóa đói giảm nghèo, do đó tỷ lệ giảm nghèo giảm rất nhanh, nếu như năm 2004 tỷ lệ hộ nghèo là 60,75%, thì đến hết 2013 chỉ còn trên 27%. Dự kiến hết 2014 sẽ di dân song thủy điện Lai Châu, khả năng tiến độ sẽ về dích sớm trước 1 năm.
Về công tác tư pháp, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Chử cho biết tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp 2014 của Bộ Tư pháp và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. 
Kết quả công tác tư pháp đã có nhiều chuyển biến trên các lĩnh vực: văn bản, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý... Công tác thi hành án đã thi hành xong trên 900 việc với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
“Công tác tư pháp, thi hành án Lai Châu đã có nhiều khởi sắc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương”. Chủ tịch Nguyễn Khắc Chử đánh giá, đặc biệt “lượng dân phải di cư ở Lai Châu rất lớn để xây dựng thủy điện, các cơ quan khối nội chính đã giúp tỉnh làm tốt công tác di dân, đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng đô thị mới”.
Bí thư Tỉnh ủy Lò Văn Giàng nhấn mạnh thêm: với lượng công việc rất lớn, Lai Châu cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tư pháp, thi hành án. Đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng cán bộ, do đó, phải tăng cường đào tạo, tập huấn cho anh em nhất là ở cấp xã
Theo đó, Lai Châu kiến nghị với Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành TW nghiên cứu tham mưu giúp Chính phủ ban hành quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù công việc trong công tác tư pháp ở địa phương miền núi, hỗ trợ kinh phí đặc thù cho địa phương chưa tự cân đối ngân sách (chi cho công tác PBGDPL); Kiến nghị với Bộ Nội vụ sớm bổ sung, phân bổ biên chế cho tỉnh Lai Châu để bố trí nguồn nhân lực thực hiện công tác pháp chế sở ngành, biên chế cho Sở Tư pháp, phòng tư pháp cấp huyện và công chức hộ tịch cấp xã để thực hiện một số nhiệm vụ mới được giao.
Tương tự, tạo nguồn tuyển dụng cán bộ có trình độ ĐH Luật vào cơ quan thi hành án dân sự, nhất là tuyển dụng cho Chi cục THADS các huyện. UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Tư pháp cho tuyển dụng thêm công chức có trình độ Trung cấp luật vào ngành (hiện Bộ mới cho phép tuyển dụng mỗi huyện 1 người).
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chúc mừng những thành quả Lai Châu đạt được sau 10 năm chia tách. Chia sẻ với những khó khăn của Lai Châu, đặc biệt trong công tác cán bộ, hiện đang thiếu cả ở tỉnh, huyện, xã, Bộ trưởng nói: “Tôi mong tỉnh sớm xây dựng quy định về vị trí việc làm, không nhất thiết chỗ nào cũng phải có trình độ Đại học. Hiện Bộ Tư pháp đã mở 5 trường Trung cấp luật, trong đó có trường Trung cấp Luật Tây Bắc sẽ giúp Lai Châu đào tạo cán bộ chính quy nếu có nhu cầu”
Bộ trưởng cũng lưu ý công tác THADS phải tăng tỷ lệ thi hành về tiền, tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức. Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật THADS sửa đổi sắp trình Quốc hội sẽ có những quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những tỉnh có đặc thù như Lai Châu để tạo nguồn cán bộ.

Đọc thêm