Tiếc khi Chính phủ “vắng bóng” trong kiểm soát hoạt động Tòa án
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trước đây Chính phủ (có thời gian giao cho HĐND khi giải thể Bộ Tư pháp) quản lý mọi hoạt động hành chính tư pháp của Tòa án. Từ năm 2002 đến nay đang áp dụng mô hình quản lý “khép kín” trong toàn bộ hệ thống tòa án, cả về chuyên môn và hành chính tư pháp. “Cần có tổng kết về mô hình này xem cái được, cái chưa được, nếu không sẽ rất gay” – người đứng đầu ngành Tư pháp lưu ý.
Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng mà Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phải làm được theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là “phải giải mã được quyền tư pháp và sự kiểm soát quyền lực giữa các ngành”.
Dẫn ra thực tiễn của các quốc gia cùng theo hệ thống luật thành văn như Việt Nam áp dụng mô hình Chính phủ quản lý toàn bộ về kỹ thuật, Bộ trưởng bày tỏ: “Rất tiếc trong Dự án Luật này, hầu như không có vai trò gì của Chính phủ trong kiểm soát hoạt động của Tư pháp và của Tòa án”.
Theo đó, Chính phủ có thể giao cho Bộ Tư pháp hoặc thành lập Hội đồng Thẩm phán quốc gia để lo về cán bộ, thẩm phán và cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động xét xử của Tòa án, để qua đó kiểm soát lại hoạt động của Tòa án. Nhưng theo cơ chế hiện nay và trong Dự thảo Luật, Tòa án có quyền xét xử các quyết định hành chính nghĩa là kiểm soát hoạt động hành chính, trong khi chỉ có một thiết chế là Hội đồng quốc gia.
Trong Hội đồng này, không có vai trò của Bộ Tư pháp mà chỉ có vai trò của Văn phòng Chủ tịch nước (là nơi làm thủ tục bổ nhiệm thẩm phán) hay Bộ Nội vụ (không phải Bộ chuyên sâu về hoạt động của Tòa án). Đánh giá về qui định này của Dự thảo Luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường không khỏi lo ngại: “Nếu không giải mã được mà cứ để như thế này thì hoạt động của Tòa án sẽ tiếp tục đi vào đường cũ”.
Tách Tòa án khỏi sự lệ thuộc vào địa phương
Bảo đảm sự độc lập của xét xử là nguyền tắc quan trọng nhất để “Tòa án thực sự là chỗ dựa công lý của người dân” theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Để thực hiện nguyên tắc bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán và Tòa án và không thể tiếp tục để Tòa án là công đường, nhân danh Nhà nước trong cảnh “bệ rạc” như một số tòa án ở các vùng sâu, vùng xa, với lèo tèo 2-3 người, vài vụ án/năm, Bộ trưởng bày tỏ “ủng hộ rất cao việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực”.
Dù có nhiều ý kiến cho rằng, TAND sơ thẩm khu vực sẽ “xa dân” nhưng theo ông: “Trong vấn đề này, phải ưu tiên lựa chọn nguyên tắc bảo đảm Tòa án không lệ thuộc vào chính quyền địa phương”.
Thực tế, những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, điều kiện còn khó khăn hơn nhưng cả nước cũng chỉ xây dựng 500 tòa án cấp huyện. Hiện ta có 700 huyện với đề xuất thành lập 400 TAND sơ thẩm khu vực mà “thấy khó khăn thì rất lạ” – Bộ trưởng nhận xét.
Song phân tích Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp còn băn khoăn khi vấn đề quản lý hành chính tư pháp đối với Tòa án đang cơ bản bị bỏ ngỏ. Dự thảo Luật vẫn giao Thẩm phán TANDTC bổ nhiệm thẩm phán tòa án khu vực khiến lãnh đạo ngành Tư pháp thấy không yên tâm vì “đã gọi là lệ thuộc về tổ chức thì sao có thể độc lập? Cán cân công lý phải được đảm bảo không bị ảnh hưởng, nếu bị ảnh hưởng, cán cân đương nhiên bị lệch”.
Cùng với đó, phân tích về sự “tréo ngoe” giữa việc giao Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành văn bản qui phạm pháp luật qua các quyết định xét xử với qui định “quyền con người chỉ bị hạn chế bởi luật” trong Hiến pháp, Bộ trưởng đề nghị không nên giao cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành văn bản qui phạm pháp luật, TANDTC ban hành Thông tư mà chính án lệ (là phán quyết của việc giải quyết trực tiếp các vụ án qua thủ tục giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có tính bắt buộc cho việc giải quyết các vụ án trong trường hợp pháp luật chưa qui định hoặc qui định mở) sẽ giúp giảm thiểu cao nhất những thông tư của Bộ, ngành.
“Nếu không đổi mới vai trò của Hội đồng Thẩm phán TANDTC theo hướng đó thì tình trạng nợ đọng văn bản vẫn sẽ tiếp diễn và không bao giờ kết thúc” – lãnh đạo Bộ Tư pháp nhận định.
Bảo đảm cho Thẩm phán đàng hoàng nhất
Cùng với đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng chưa đồng tình khi Dự thảo Luật không đề cập đến hình thức thi tuyển thẩm phán. Cho rằng “cách thức tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật thẩm phán là vấn đề rất lớn như bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án các tòa án nên phải làm cho khách quan, minh bạch”, Bộ trưởng cho rằng “không thể giao quyền tuyển chọn thẩm phán cho Chánh án và bộ máy TANDTC” mà “phải có Hội đồng tuyển chọn thẩm phán”.
Hội đồng này gồm đại diện của cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và luật sư, giúp phát hiện ra những người giỏi nhất trong giới luật sư, kiểm sát viên, thậm chí cả điều tra viên, thẩm tra lại, đề nghị Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán, lãnh đạo tòa án. Bộ trưởng cũng đặc biệt đề nghị: “Phải có qui định pháp luật để bảo đảm cho Thẩm phán đàng hoàng nhất, được bảo đảm tốt nhất kể cả tính mạng để thực thi chức trách thì khi đó mới có tòa án ra tòa án, công đường ra công đường, công lý ra công lý”.
Liên quan đến một “nhân vật” quan trọng trong hoạt động xét xử là hội thẩm nhân dân (HTND), Bộ trưởng thấy rằng, “chế định này đang mất tính chất “nhân dân” do bị công chức hóa” bởi một qui trình bầu mang tính hình thức, do Hội đồng nhân dân thường “nhắm mắt bỏ phiếu” thông qua danh sách HTND được Mặt trận Tổ quốc (thực chất là TAND) trình.
Nguy hiểm hơn là với nguyên tắc xét xử theo đa số, HTND luôn chiếm số đông trong Hội đồng xét xử so với Thẩm phán nên việc bầu HTND “thậm chí chỉ là “hợp thức hóa sai phạm của Tòa án”. Do đó, Bộ trưởng bày tỏ đồng ý với gợi ý về việc xem xét thành lập Đoàn hội thẩm gồm các cử tri trên địa bàn, không chuyên trách, chỉ tham gia các vụ án từ nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trở lên…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Hiến pháp mới đã nói rõ sứ mệnh của Tòa án là “chỗ dựa công lý của người dân”. Vì vậy, sau này có thể cân nhắc trong luật tố tụng để Tòa án không thể từ chối khi người dân có yêu cầu. Tòa án phải xét xử như Bao Công ngày xưa, không thể vì luật không qui định là không xét xử nên chỉ liệt kê những việc TA được làm, còn việc dân cứ để đấy là đang đi ngược lại giá trị chung của nền tư pháp của thế giới”.