Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây truyền bệnh
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trên thế giới số ca nhiễm covid-19 gia tăng nhanh. Tính tới ngày 22/12, trên thế giới đã ghi nhận 78 triệu ca Covid-19 và 1,7 triệu ca tử vong. Đặc biệt mới đây, thông tin liên quan đến biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh đang khiến nhiều quốc gia quan tâm.
Tại Việt Nam, tính đến 18h ngày 22/12 đã ghi nhận 1.420 ca mắc Covid-19 mới, trong đó tổng cộng 693 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Và Việt Nam cũng đã trải qua 20 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Mới đây biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang khiến nhiều quốc gia quan tâm. Tuy nhiên đến thời điểm này Bộ Y tế vẫn đang theo dõi chặt chẽ biến chủng của SARS-CoV-2 bởi hiện tại biến chủng mới chỉ làm tăng khả năng lây truyền mà không làm tăng nặng tình trạng bệnh. Tại Việt Nam chưa phát hiển chủng mới này và tới đây, Bộ Y tế sẽ quyết định đẩy mạnh, đưa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nước ta lên mức cao nhất từ nay đến cuối năm”.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Long, bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thì Việt Nam cũng đang tích cực việc sản xuất vắc xin Covid-19. Ngày 17/12 đã tiêm mũi vắc xin thử nghiệm đầu tiên trên người, đến hôm nay các tình nguyện viên đều an toàn. Ngày hôm nay cũng bắt đầu tiêm mũi vắc xin thử nghiệm cho các tình nguyện viên còn lại trong giai đoạn 1. Ngoài việc thử nghiệm vắc xin của công ty Nanogen trong thời gian tới Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cho thử nghiệm vắc xin Covid-19 của 3 công ty khác. Cụ thể, 3 công ty tiếp theo là IVAC, POLIVAC, VIBAOTEC. Với IVAC, VABIOTEC có lộ trình thử nghiệm vào 1/3/2021. "Việc thử nghiệm cả hai miền Bắc và Nam để bảo đảm tính đại diện cho toàn quốc", Bộ trưởng cho biết. Riêng với POLIVAC, hiện đang đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác với với các đối tác của Trung Quốc, Nga để có vắc xin…
“Theo nghiên cứu, không có loại vắc xin nào có hiệu lực phòng bệnh trong thời gian dài, vì vậy nước ta phải chủ động trong công tác sản xuất vắc xin cho người dân để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, các Cục, Vụ, Sở Y tế các tỉnh, UBND các tỉnh... Đại diện WHO và CDC Hoa Kỳ. |
Đảm bảo phương án chống dịch cao nhất cho những tình huống xấu
Hiện tại, mặc dù Việt Nam đang là một trong những nước kiểm soát dịch Covid-19 khá tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm ẩn. Bởi các ca nhập cảnh vẫn thường xuyên nhập cảnh vào Việt Nam. Thời gian qua, có một số trường hợp thực hiện việc cách ly chưa nghiêm túc dẫn đến những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng rất may mắn, các đơn vị, đội phản ứng nhanh đã kịp thời ngăn chặn tránh lây lan mạnh trng cộng đồng.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần tiếp tục tăng cường quản lý chặt người nhập cảnh, đặc biệt tại chốt biên phòng, các địa phương có chốt biên giới… cần quyết liệt ngăn chặn những ca xâm nhập trái phép vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác cách ly và thực hiện cách ly cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy định để giảm thiểu nguy cơ với cộng đồng. Với các đơn vị thực hiện xét nghiệm cần phải nâng cao năng lực xét nghiệm, đặc biệt với các trường hợp có dấu hiệu, nghi ngờ mắc Covid-19.
Mặc dù Việt Nam đang tích cực phát triển việc sản xuất vắc xin tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Cần thường xuyên khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các đơn vị liên quan cần chuẩn bị, đảm bảo những phương án chống dịch cao nhất trong những tình huống xấu nhất, bởi từ nay đến cuối năm sẽ còn rất nhiều những sự kiện lớn của đất nước.