Nhà đầu tư nước ngoài rất “chắc ăn”!
Ông Nguyễn Văn Thể ngồi vào “ghế nóng” Bộ trưởng GTVT trong bối cảnh nhu cầu đầu tư về kết cấu hạ tầng giao thông tăng lên rất mạnh, nhưng ngân sách Nhà nước thì hạn hẹp, việc thu hút vốn ngoài xã hội đang có biểu hiện chững lại. Vì thế, việc tìm kênh để huy động nguồn lực bên cạnh hình thức đầu tư công truyền thống - đang là một “bài toán” khó thử tài năng động, sáng tạo của Bộ trưởng Thể.
Trao đổi với PLVN về khả năng thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Thể cho hay, các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng thường có những yêu cầu ràng buộc rất chặt trước khi quyết định bỏ vốn tham gia, bởi họ không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào trong đầu tư.
“Nếu làm đường bộ, họ yêu cầu chúng ta phải đảm bảo lưu lượng xe, doanh thu... Và trong trường hợp nếu không đảm bảo được những điều kiện đó, thì phía Nhà nước Việt Nam phải hỗ trợ lại nhà đầu tư nước ngoài nếu như chúng ta muốn tiếp cận với nguồn vốn này”, ông Thể nói.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, nếu chấp nhận để có được nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, thì rất có thể, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong điều hành ngân sách vì nó sẽ phát sinh một số nội dung ngoài ý muốn có thể gây bất ổn trong điều hành nền kinh tế, trong khi chúng ta đang coi trọng việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Không những thế, nếu hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải cam kết ổn định cả tỷ giá, để khi họ vào đầu tư bao nhiêu triệu USD thì khi về nước, cũng được đảm bảo như thế chứ không chấp nhận hao hụt hay biến động giá...
“Những nội dung trên là vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT. Các cơ quan liên quan cũng đã trao đổi, tham mưu cho Chính phủ nhưng nếu thực hiện theo cơ chế đó, thì việc điều hành ngân sách của chúng ta sẽ gặp khó. Thế nên, thời gian qua, chúng ta vẫn chưa chấp nhận các đề xuất kiểu này. Do đó, cho tới nay, việc tiếp cận với vốn của nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư BOT giao thông vẫn là vấn đề khó”, Bộ trưởng Thể giải thích.
|
Cảng quốc tế Lạch Huyện do PMU Hàng hải (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, sử dụng vốn ODA Nhật Bản |
Vay vốn ngân hàng
Dù khó khăn về nguồn vốn nhưng không phải vì thế mà nhu cầu đầu tư và việc hiện thực hoá các dự án bị dừng hoặc chậm lại. Có thể thấy ở phía trước và gần nhất là trong năm 2018 này, một loạt dự án hạ tầng tỷ USD sẽ phải triển khai, trong đó không ít dự án cần sự hỗ trợ của các ngân hàng trong, ngoài nước.
Cụ thể, đối với Dự án đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ cần phải huy động nguồn tín dụng thương mại khoảng 50.000 tỷ đồng để hoàn thiện hơn 650km. Nhưng cái khó là hiện các ngân hàng trong nước cho vay trung hạn đang tương đối nhiều nên có thể ảnh hưởng đến việc giải ngân các khoản vay tiếp, trong khi dự án cao tốc này đã phải vào “vạch xuất phát”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT nói sẽ bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có cơ chế cụ thể cho dự án. “Chỉ cần đồng ý nới hạn mức cho vay của các ngân hàng lên 1% so với hiện tại là đủ nguồn lực cho cao tốc Bắc - Nam thực hiện”, ông Thể dự tính.
Theo quan sát của PLVN, trong vòng hơn 2 tháng sau ngày nhậm chức, ngoài việc lên kế hoạch để tìm tiếng nói chung với Ngân hàng Nhà nước Trung ương trong việc khơi thông nguồn vốn đầu tư, Bộ trưởng Thể còn dành thời gian làm việc với 2 định chế tài chính lớn nhất nhì thế giới đó là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Tại đây, Bộ trưởng GTVT đã “show” một số dự án hạ tầng lớn mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị triển khai như đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông… để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ này còn thông tin với Giám đốc quốc WB tại Việt Nam rằng, sắp tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực giao thông thủy nội địa để phát triển vận tải đa phương thức; vì thế, Bộ GTVT mong muốn WB tiếp tục đồng hành cùng với Bộ này.
Đến thời điểm hiện tại, định chế tài chính đa phương nói trên đã hỗ trợ Việt Nam 2,8 tỷ USD để đầu tư, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, đường thủy nội địa, đường cao tốc… Và hiện đang có 5 dự án hợp tác giữa ngành GTVT với WB, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD.
Nếu việc đặt vấn đề của Bộ GTVT được WB, EIB hay các tổ chức quốc tế khác chấp nhận, thì đó có thể là lời giải hợp lý cho nhu cầu vốn đầu tư trong bối cảnh Việt Nam chưa thể gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.