Trong bài phát biểu dẫn đề tại Chương trình VIETNAM CEO FORUM 2015, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Quá trình hội nhập buộc chúng ta phải chấp nhận những luật lệ mới và những thách thức mới. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh: hội nhập quốc tế giúp chúng ta đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Điều này đã được cả thế giới, đặc biệt là Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thừa nhận.
Thông qua hội nhập quốc tế, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức như: sức ép cạnh tranh, rủi ro trong kinh doanh, sự khác biệt về pháp luật, văn hóa pháp lý…
Tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng đảm bảo đã hội nhập thì phải quyết tâm thành công; phải thành công không chỉ trên “sân nhà”, bao gồm “sân nhà” Việt Nam cũng như “sân nhà” ASEAN, mà cả “sân khách”, nhất là các “sân khách” mới sẽ được tạo lập thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sắp được ký kết như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu.
Theo Bộ trưởng, giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo thành công trong hội nhập là tăng cường, nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm cả 3 nhóm: (i) năng lực cạnh tranh của quốc gia; (ii) năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm; và (iii) năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.
Việc tăng cường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ thúc đẩy, hỗ trợ tích cực cho việc tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và ngược lại. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì cần phải hoàn thiện thể chế, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và tổ chức tốt việc thi hành pháp luật phù hợp với nhu cầu nội tại của đất nước cũng như các cam kết quốc tế.
Điều này cần được thực hiện dựa trên 3 trụ cột: (i) kinh tế thị trường, (ii) Nhà nước pháp quyền, và (iii) phát huy dân chủ xã hội.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Dưới góc độ pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế thông qua việc giúp Chính phủ triển khai thực hiện 2 nhóm giải pháp dài hạn và ngắn hạn sau đây:
1. Đối với nhóm giải pháp dài hạn:
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân; Nhà nước thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật một cách minh bạch, thống nhất, đồng bộ, khả thi; tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Qua đó, thực sự đảm bảo quyền sở hữu, quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của xã hội và tạo lập niềm tin vào hệ thống giải quyết tranh chấp, khai phóng các nguồn lực của xã hội theo quy luật của kinh tế thị trường.
Thứ hai, phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho khởi nghiệp thành công, phát huy được vai trò của các hiệp hội, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
2. Đối với nhóm giải pháp trước mắt:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 với nhiệm vụ trọng tâm là sửa đổi, bổ sung các đạo luật rường cột như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và các luật quan trọng khác như Luật Ban hành quyết định hành chính, Luật Tiếp cận thông tin…; tiếp tục rà soát, kiến nghị hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đạo luật về thuế…
Qua đó, Nhà nước điều tiết nền kinh tế thị trường thông qua cơ chế điều tiết vĩ mô dựa trên một hệ thống pháp luật phù hợp, hệ thống chính sách đúng đắn với các giải pháp có tính khả thi nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế; pháp luật tiến tới bảo vệ hữu hiệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cạnh tranh bình đẳng trên thị trường; đẩy mạnh sự tham gia hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật; bảo đảm hơn nữa tính ổn định của hệ thống pháp luật trong bối cảnh cải cách.
Hai là, đầu tư thích đáng cho tổ chức thi hành pháp luật, chuyển hướng chiến lược từ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật. Để làm được điều này, trước hết phải nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp có ý thức chấp hành đúng pháp luật, biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời tăng cường hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, khắc phục thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp.
Ba là, cải cách tư pháp thành công với trọng tâm là tòa án; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, nghiên cứu xây dựng án lệ của Tòa án; thực hiện tốt nguyên tắc tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; thúc đẩy sự phát triển thị trường dịch vụ pháp lý, đảm bảo thị trường dịch vụ pháp lý thực sự hiệu quả, có chất lượng, chuyên nghiệp, có tính hội nhập quốc tế nhằm cải thiện mạnh mẽ khả năng tiếp cận công lý, tiếp cận hệ thống pháp luật, tiếp cận cơ quan tư pháp của doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện các thiết chế bổ trợ tư pháp như: luật sư, công chứng, giám định, trọng tài, hòa giải, thừa phát lại, đấu giá tài sản, quản tài viên...
Bốn là, cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ những rào cản pháp lý không cần thiết đối với quyền tự do kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để đảm bảo nền hành chính quốc gia phải vì quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ.
Những giải pháp lâu dài và trước mắt nêu trên là sự tiếp tục “dòng chảy cải cách” thể chế, pháp luật, tư pháp mà Bộ Tư pháp đã, đang và sẽ thực hiện nhằm góp phần đưa nền kinh tế bước vào “kỷ nguyên hội nhập quốc tế”, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Tóm lại, hội nhập quốc tế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đang và sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức cho đất nước và doanh nghiệp. Quá trình hội nhập buộc chúng ta phải chấp nhận những luật lệ mới và những thách thức mới. Để hội nhập thành công với tư duy không chỉ phục vụ cho hơn 90 triệu dân Việt Nam hay 600 triệu dân ASEAN mà thậm chí cả tư duy toàn cầu, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực của mình, và Nhà nước, thông qua cải cách thể chế, sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.