Vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Tình hình 6 tháng thực hiện Nghị quyết (NQ) 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do CIEM và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày hôm qua (24/9).
Điểm sáng cải cách hành chính thuế
Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì Bộ này đã tiến hành nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ thuế điện tử. Cải cách TTHC thuế đã được triển khai ở tất cả các lĩnh vực quản lý thuế như: đăng ký thuế, kê khai thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế.
Kết quả, trong năm 2014 thời gian nộp thuế đã giảm 370 giờ và trong năm 2015 giảm tiếp 50 giờ. Như vậy, tổng thời gian giảm đến nay là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế), vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết.
Tính đến 23/9/2015 đã có 98% doanh nghiệp (DN) thực hiện khai thuế điện tử ổn định. Tổng cục Thuế đã phối hợp với 33 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, đến nay đã có 84% DN đăng ký nộp thuế điện tử và 71,3% DN nộp thuế điện tử.
Mặc dù còn nhiều vướng mắc về chính sách và TTHC thuế cần tiếp tục hoàn thiện song theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, “khó như TTHC thuế” còn làm được thì không lý gì các bộ, ngành khác không làm được. “NQ 19 vô nghĩa nếu không có sự thực hiện nghiêm túc. Đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chứ không phải sự ủng hộ…”.
Cập nhật của CIEM đến ngày 23/9, mới chỉ có 2 bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) và 3 địa phương (TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội) gửi Báo cáo 6 tháng thực hiện NQ 19 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) theo yêu cầu. “Tôi không đề cập đến chất lượng báo cáo, chỉ với việc thực hiện chế độ báo cáo cho thấy việc thực hiện NQ 19 là một bước thụt lùi so với 3 tháng trước. Tình hình này, khả năng 3 tháng sau vẫn thế nếu không muốn nói là xấu hơn… Lý do gì một Nghị quyết của Chính phủ lần đầu tiên Chính phủ đưa ra chấp nhận cuộc chơi để thế giới đánh giá lại không được các bộ, ngành, địa phương thực hiện?”- Luật sư Huỳnh đặt câu hỏi.
Điều kiện kinh doanh - Báo động đỏ!
Theo TS Nguyễn Đình Cung, có 2 vấn đề nổi lên trong việc thực hiện NQ 19 là điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).
Về cải cách thủ tục liên quan đến hàng hóa XNK, ông Cung cho biết hiện vẫn có trên 300 văn bản chủ yếu nằm ở Thông tư, tức là chủ yếu nằm ở các bộ, các bộ có chủ động rà soát nhưng kết quả không được hoặc chưa được như yêu cầu của NQ 19.
Báo cáo của CIEM cho thấy mặc dù Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực đơn giản hóa TTHC hải quan, áp dụng hải quan điện tử song các thủ tục chuyên ngành đối với hàng hóa XNK chưa được cải thiện, do đó chưa giảm được thời gian thông quan hàng hóa. NQ 19 chỉ rõ các văn bản quản lý XNK cần phải thay thế, sửa đổi, bổ sung nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào được ban hành, một số văn bản có dự thảo nhưng vẫn chưa giải quyết được khó khăn cho DN.
Kết quả khảo sát cho thấy đa số DN cho biết thủ tục, thời gian và chi phí kiểm tra chuyên ngành năm 2015 không thuận lợi hơn cho DN so với năm trước. Cụ thể, tỷ lệ phản hồi “thủ tục không đơn giản, hoặc phức tạp hơn năm trước” đối với kiểm dịch là 62,8%, đối với kiểm tra chất lượng là 57,9%, kiểm tra an toàn thực phẩm là 83,3%...
Về ĐKKD, ông Cung cho biết đáng báo động là trong khi trên 3.300 ĐKKD chưa được xoá bỏ theo Luật DN và Luật Đầu tư mới thì các ĐKKD bất hợp pháp lại tiếp tục ra đời. “Tại hội thảo trong TP.HCM, có DN nói rằng đây là lần cuối cùng DN góp ý bởi 6 năm nay DN đã góp ý vẫn với nội dung đó nhưng không sửa thì thôi, không góp ý nữa… DN và cơ quan nhà nước như hai trận tuyến, sử dụng 2 “ngôn ngữ” khác nhau. DN nói cả buổi, cơ quan quan lý không hiểu gì, cơ quan quản lý nói cả buổi, DN cũng chẳng hiểu gì. Cần phải thay đổi. DN và cơ quan nhà nước phải là đối tác của nhau…”, ông Cung đề nghị.
Chưa có chuyển biến về thủ tục tư pháp
Theo TS Nguyễn Đình Cung, trong 10 chỉ tiêu cải cách thì có 8 chỉ tiêu về hành pháp và 2 chỉ tiêu về tư pháp (giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản DN). Tuy nhiên, 2 chỉ tiêu này đến nay hầu như vẫn chưa có chuyển biến. Vẫn tồn tại nhiều bất cập trong giải quyết tranh chấp hợp đồng dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp.
Về giải quyết phá sản DN, sau hơn 1 năm ban hành Luật Phá sản DN 2014, đến nay vẫn chưa ban hành hướng dẫn; công tác tập huấn về Luật còn hạn chế; chậm hình thành đội ngũ quản tài viên và DN quản lý, thanh lý tài sản nên vẫn chưa rút ngắn được thời gian giải quyết phá sản theo yêu cầu của NQ 19…