- Quá trình tổng kết BLHS hiện hành cho thấy thời hạn xem xét để xoá án tích theo quy định hiện hành là quá dài. Theo ông có nên rút ngắn?
Đành rằng án tích là một hình thức trách nhiệm hình sự, là hậu quả của việc phạm tội, các cơ quan chức năng phải kiểm soát nhưng gắn án tích cho người phạm tội trong một thời gian dài quá thì con đường tái hòa nhập của họ sẽ xa hơn, trong khi mục đích ta muốn họ thành người có ích cho xã hội. Nếu án tích lâu quá sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý kéo dài mà người đó và gia đình người ta phải chịu những hệ lụy, có thể phát sinh hậu quả xã hội khác sau này mà có thể không phải ngay lúc đó. Hay như việc người ta đi tù về rồi mà còn không được kinh doanh, không được đi nước ngoài… là không phù hợp.
Vì thế, tôi cho rằng việc rút ngắn thời hạn, thời điểm tính thời hạn xoá án tích là cần thiết. Như trên đã nói, người đã chấp hành xong hình phạt - hình thức chủ yếu - thì cần có thời gian nhất định để cơ quan có thẩm quyền kiểm soát, giám sát xem người đó đã thực sự thay đổi. Nhưng phải làm thế nào để mục đích cải tạo, giáo dục người từng phạm tội thành người có ích. Mà để sớm tái hòa nhập cộng đồng thì việc để thời gian được xóa án tích quá dài là điều không nên.
Tôi cho rằng người phạm tội cố ý đã chấp hành xong hình phạt rồi thì chỉ nên theo dõi một thời gian ngắn nữa xem anh đã thực sự thay đổi chưa, còn những người phạm tội vô ý như gây tai nạn giao thông hay lỡ gây thương tích cho người khác thì cái đó không cần thiết. Thêm nữa, người bị kết án về một tội do lỗi vô ý, người được miễn hình phạt thì được coi là không có án tích cũng là phù hợp. Một số tội phạm khác cũng thế thôi, làm sao để thời gian xóa án tích thu hẹp lại, đề người ta trở thành công dân bình thường, con người bình thường, để phát triển.
Trung tướng Trần Văn Độ |
- Với quy định hiện hành, thời hạn xoá án tích kể từ thời điểm người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác tại bản án. Như vậy sẽ có những trường hợp đã chấp hành xong hình phạt chính nhưng nếu chưa xong phần nghĩa vụ dân sự thì cũng không được xóa án tích?
Cái này thực tế cũng rất bất cập. Trước nay ta cứ bắt buộc đã thi hành xong hình phạt chính, còn phải xong cả hình phạt bổ sung và các quyết định khác là không đúng bản chất vấn đề. Đơn cử như việc bồi thường có những vụ còn tách ra xử lý bằng vụ kiện dân sự khác, hay có những vụ bồi thường rất lớn, như vụ Huyền Như chẳng hạn, mấy ngàn tỷ bao giờ bồi thường cho xong, chả lẽ chưa bồi thường xong thì không được xóa án tích? Nếu thế thì có người cả đời không bao giờ được xóa án tích. Do đó, chỉ cần chấp hành xong hình phạt chính là nên xem xét xóa án tích.
- Hiện nay, Tòa án là cơ quan cấp giấy chứng nhận đã được xoá án tích và muốn có giấy này phải có đơn yêu cầu, như vậy có phức tạp và khó khăn cho người dân?
Đúng là trong bối cảnh cải cách hành chính như hiện tại thì quy định này không nên duy trì. Việc người phạm tội được xóa án tích nên giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Cơ quan này có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án. Khi có yêu cầu, cơ quan này cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân và việc đã được xóa án tích được thể hiện trên phiếu này.
- Từ câu chuyện vừa qua của hai thí sinh Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà có ý kiến cho rằng khi bố các em đã được xóa án tích thì coi như chưa có can án và không cần phải ghi vào hồ sơ. Ý kiến ông thế nào?
Tôi không bình luận về 2 trường hợp cụ thể nói trên vì không biết hết quy định của Bộ Công an, nhưng tôi cho rằng việc Bộ Công an, giải quyết như vậy là có tình, có lý. Quy định của Bộ Công an cũng là văn bản dưới luật, nhưng chúng ta phải thống nhất rằng pháp luật nào cũng có ngoại lệ của nó và trong trường hợp cụ thể thì xem xét vì lợi ích của ai.
Có những trường hợp phạm tội rõ ràng nhưng vì lợi ích cộng đồng lớn hơn, dư luận xã hội quanh chuyện đó thì người ta đã đình chỉ vụ án. Các cháu học giỏi, nhưng bố từng có án tích đã được xóa từ lâu, tôi không dám khẳng định đúng, sai nhưng để các cháu vào học chính là tương lai của xã hội.
Tuy nhiên, qua chuyện này các ngành phải rà soát lại quy định của mình, dần dần có thể cởi mở hơn để đảm bảo cho người dân, cho đời con, đời cháu không mặc cảm, để phát triển, đóng góp cho xã hội. Nếu quy định quá chặt chẽ, quá nghiêm khắc sẽ làm cho người ta không muốn cống hiến. Các cháu bây giờ giỏi, tự tin, muốn cống hiến thì nên ủng hộ./.