Tại buổi gặp và làm việc với ông Karen Poladyan, Trưởng Cơ quan quản lý Tòa án Cộng hòa Ác-mê-nia, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và ông Karen Poladyan đã trao đổi nhiều nội dung chuyên môn liên quan đến kinh nghiệm cải cách tư pháp.
Trao đổi với người đứng đầu Cơ quan quản lý tòa án Ác-mê-nia, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chia sẻ về kết quả cải cách tư pháp được thực hiện ở Việt Nam thời gian qua và bày tỏ mong muốn Cơ quan quản lý tòa án Ác-mê-nia hợp tác với các cơ quan của Việt Nam để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hữu ích trong cải cách tư pháp của Ác-mê-nia.
Trưởng Cơ quan quản lý Tòa án Cộng hòa Ác-mê-nia cho biết, quá trình cải cách tư pháp diễn ra tại Ác-mê-nia bắt đầu từ năm 1996 sau khi Ác-mê-nia thông qua bản Hiến pháp mới. Theo đó, hệ thống tòa án ở Ác-mê-nia được cải cách nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và dân chủ trên nguyên tắc tam quyền phân lập.
Quốc hội Ác-mê-nia thông qua một loạt luật mới liên quan đến tổ chức và hoạt động của tòa án cũng như các bộ luật dân sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự. Hệ thống xét xử ở Ác-mê-nia được phân thành ba cấp: Tòa án sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm và Tòa phá án (Tòa án Tối cao). Tòa án Hiến pháp cũng đã được thành lập tại Ác-mê-nia từ năm 1996. Cơ quan quản lý Tòa án được thành lập vào năm 2006, là cơ quan hành chính nhà nước chịu trách nhiệm đảm bảo cho hoạt động của tòa án, Hội đồng thẩm phán, Hội đồng Chánh án và Hội đồng Tư pháp quốc gia về mặt hành chính (nhân sự, ngân sách, thông tin báo chí…).
Việc thành lập Cơ quan quản lý Tòa án được xem là một bước đi quan trọng trong cải cách tư pháp ở Ác-mê-nia, góp phần đảm bảo tính độc lập trong xét xử của tòa án, tạo niềm tin của công dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án.
Trong thời gian tới đây, công cuộc cải cách tư pháp ở Ác-mê-nia sẽ bước vào giai đoạn thứ ba, trong đó sẽ tập trung một số nội dung liên quan đến tăng mức lương của thẩm phán, xây dựng cơ sơ dữ liệu điện tử các vụ việc được thụ lý tại Tòa án, xây dựng hệ thống lưu trữ các bản án, quyết định của tòa. Trưởng Cơ quan quản lý tòa án Ác-mê-nia cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác trao đổi kinh nghiệm cải cách tư pháp của Ác-mê-nia với các cơ quan của Việt Nam.
Sáng ngày 24/10, trước khi rời Yerevan (Thủ đô của Ác-mê-nia), Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có cuộc gặp với ông Edward Nalbandian, Bộ trưởng Ngoại giao Ác-mê-nia. Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ác-mê-nia đã giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Bộ trưởng nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị giữa hai nước là di sản của ông cha để lại do vậy, các thế hệ ngày nay cần gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ lâu đời đó ngày một phát triển. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chuyển lời chào của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Ngài Tổng thống, Ngài Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Ác-mê-nia; khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Ác-mê-nia và nhận thấy tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn.
Bộ trưởng Ngoại giao Ác-mê-nia Edward Nalbandian bày tỏ vui mừng được chào đón Bộ trưởng Hà Hùng Cường và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng tại Ác-mê-nia. Ghi nhận tình cảm ấm áp giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ác-mê-nia, Bộ trưởng Edward Nalbandian cho biết, Ác-mê-nia đang mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Ác-mê-nia và hai bên đang tích cực chuẩn bị cho việc ký kết một số văn kiện hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm này.
Chia sẻ ý kiến của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Edward Nalbandian cũng khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Ác-mê-nia là rất lớn, trong thời gian tới đây cần được hai bên tiếp tục khai thác nhằm phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tăng cường quan hệ hợp tác phù hợp với lợi ích và sự quan tâm chung của hai nước.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và đoàn công tác đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Ác-mê-nia, ghi dấu ấn chuyến thăm cấp Bộ trưởng đầu tiên của Việt Nam tới Ác-mê-nia trong 23 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.