Cùng dự Lễ dâng dương có Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp Tuyên Quang, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang và lãnh đạo xã Minh Thanh.
Dâng hương trong không khí trang nghiêm, thành kính, Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác bày tỏ lòng tri ân đối với công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các bậc tiền bối cách mạng và các bậc tiền bối ngành Tư pháp, khẳng định các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đang nỗ lực tiếp nối, phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh, xây dựng ngành Tư pháp ngày càng phát triển, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước.
Trang trọng ghi vào Sổ vàng lưu niệm của Khu di tích, Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn sự siêu thoát của các bậc tiền bối sẽ tiếp tục giúp cho quốc thái, dân an và ngành Tư pháp ngày càng phát triển.
Bộ trưởng thăm hỏi người dân địa phương. |
Cùng chung tình cảm với Bộ trưởng Lê Thành Long, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn chia sẻ trong Sổ vàng lưu niệm: “Chúng tôi vô cùng biết ơn các bậc tiền bối đã vượt qua gian khổ, cống hiến cho Tổ quốc để đất nước được thanh bình, tươi đẹp. Chúng tôi nguyện học tập, noi gương các bậc tiền bối để tiếp tục cống hiến, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.
Ngay sau Lễ dâng hương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà lãnh đạo xã Minh Thanh và một số thương binh, thân nhân liệt sỹ tại thôn Mới. Thông báo khái quát với bà con về thành tựu của ngành Tư pháp trong năm qua, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, năm 2017, ngành Tư pháp có nhiều thách thức mới, nhiệm vụ nặng nề hơn nhưng cán bộ, viên chức, người lao động ngành Tư pháp sẽ quyết tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ này, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bộ trưởng Lê Thành Long bày tỏ lòng biết ơn đối với những hỗ trợ của nhân dân, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, duy trì Khu di tích Bộ Tư pháp - nơi thể hiện sự tri ân của cán bộ ngành Tư pháp đối với các thế hệ đi trước.
Chúc bà con sức khỏe, hạnh phúc và gặp mưa gió thuận hòa trong năm mới Đinh Dậu, Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn nhân dân và chính quyền địa phương tiếp tục cùng Bộ Tư pháp chăm sóc, tôn tạo xây dựng Khu di tích của Bộ Tư pháp, để đây mãi là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho những thế hệ cán bộ, công chức, người lao động của ngành.
Cùng với việc dâng hương tại Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn công tác đã đến dâng hương tại lán Nà Lừa, đình Thanh La và đình Tân Trào - là những di tích lịch sử cách mạng ghi dấu ấn hoạt động của Bác Hồ và chính quyền cách mạng hơn 70 năm trước.
Vào cuối năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp cùng với nhiều bộ, ngành Trung ương rời Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Trên chặng đường di chuyển, cơ quan Bộ Tư pháp đã đi qua nhiều địa phương và đến năm 1949 chuyển về thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Tại đây, trong sự che chở đầy tình nghĩa của đồng bào địa phương, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Tư pháp đã đề xuất và trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về cải cách bộ máy và pháp luật tố tụng theo hướng dân chủ hóa, làm cho tư pháp thực sự gần dân, hiểu dân và giúp dân.
Năm 1950, Hội nghị học tập của cán bộ tư pháp, với nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn cho thẩm phán, luật sư, công tố viên và cán bộ tư pháp khác về tư duy chính trị pháp lý mới phục vụ nhân dân, đã vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm và nói chuyện. Những lời chỉ dạy của Bác tại Hội nghị này về bản chất công tác tư pháp, về cốt cách, bản lĩnh của người cán bộ tư pháp đã trở thành định hướng có ý nghĩa cốt yếu, nền tảng của sự nghiệp xây dựng, trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam.