Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh: Đảm bảo tính khả thi và tiến độ

(PLO) - Chiều qua (10/1), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 (sau đây gọi tắt là Chương trình). Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cùng lãnh đạo nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị có liên quan cùng tham dự.
Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh: Đảm bảo tính khả thi và tiến độ

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến nêu rõ, thời gian qua Bộ Tư pháp đã tổ chức các cuộc họp với đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc và tổ chức các Đoàn công tác liên ngành để đôn đốc, trao đổi, thảo luận về việc lập đề nghị Chương trình năm 2018.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, kết quả rà soát Hiến pháp và các nguyên tắc lập đề nghị, Bộ Tư pháp dự kiến đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2018 gồm 17 dự án. Đây là dự kiến sơ bộ trên cơ sở tổng hợp kết quả lập đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ đến thời điểm hiện tại. Đối với các đề nghị chưa được thẩm định hoặc đã được thẩm định nhưng chưa trình Chính phủ xem xét, thông qua theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tư pháp vẫn tổng hợp vào dự thảo Đề nghị của Chính phủ và đề xuất phương án xử lý cụ thể.

Dự kiến năm 2017 nói chung và từ nay đến khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình 2018, điều chỉnh Chương trình năm 2017 nói riêng, có thể Chính phủ sẽ phải đề xuất bổ sung vào Chương trình một số dự án luật, pháp lệnh theo đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục lập đề nghị theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng hiện nay các bộ, ngành chưa tính đủ các điều kiện để xây dựng luật nên chất lượng các dự án luật còn thấp và chậm về tiến độ. Ngoài ra, kỷ cương, kỷ luật của người làm luật chưa cao, khả năng tiếp thu các ý kiến đóng góp còn hạn chế cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình xây dựng luật. Bộ trưởng cũng đề nghị đưa vào Chương trình năm 2018 hai dự án Luật gồm Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc.

Là một trong các bộ đã hoàn thành hồ sơ để tiến hành thẩm định, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2017 Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Thứ trưởng cho biết thêm, trong thời gian qua, Luật này đã phát huy hiệu quả tích cực, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về mặt chuyên môn cũng như công tác quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, ngành Y là ngành đặc biệt, nhiều nội dung của luật cần kịp thời sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trong bối cảnh nước ta đang đổi mới căn bản và toàn diện về lĩnh vực giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã đề xuất đưa vào Chương trình năm 2018 Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Giải thích về đề nghị này, Thứ trưởng nhấn mạnh tới xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên việc điều chỉnh một số quy định của các luật này, đặc biệt là về thời gian đào tạo và chương trình đào tạo cho phù hợp là vô cùng cần thiết.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá việc thực hiện Chương trình năm 2016 còn những hạn chế nhất định, trong đó phải kể đến kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động xây dựng pháp luật còn chưa được đảm bảo; một số dự thảo luật chưa làm đúng quy trình và tiến độ còn chậm; phạm vi điều chỉnh của một số dự luật chưa được đánh giá đúng mức.

Về nguyên tắc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2018, điều chỉnh Chương trình năm 2017, Bộ trưởng đề nghị cần nghiên cứu, rà lại để xác định nguyên tắc cụ thể. Bộ trưởng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần sớm gửi đầy đủ hồ sơ cho Bộ Tư pháp để kịp thời tổng hợp, xử lý và trình Quốc hội đúng thời hạn, đảm bảo các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Đọc thêm