Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị đảm bảo chất lượng và hiệu quả văn bản về đầu tư kinh doanh

(PLO) - Sáng 3/6, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với lãnh đạo của các bộ, ngành về tình hình thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, pháp lệnh và văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc họp.
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định "không thể chạy theo số lượng"

Tham dự cuộc họp có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp.

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, trong quá trình thực hiện, Bộ Tư pháp nhận thấy các bộ, cơ quan ngang bộ đã và đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như, phải xây dựng để ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết, bên cạnh đó phải rà soát để xây dựng, trình Chính phủ một khối lượng các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành Luật đầu tư.

Ngoài ra, do yêu cầu về tiến độ, thực hiện quy trình rút gọn, hầu hết các dự thảo văn bản không thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng phải chịu sự tác động trực tiếp; không đánh giá tổng kết thực tiễn, chưa nghiên cứu kỹ các vấn đề cần quy định. Mặt khác, công tác thẩm định bị áp lực về thời gian (rút ngắn 1/3 so với luật định) nên khó tránh khỏi hạn chế trong việc bảo đảm chất lượng cũng như tính khả thi, hợp lý của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gỡ "điểm nghẽn" thể chế

Dù còn nhiều khó khăn nhưng tính đến hết ngày 2/6/2016, có 68/86 văn bản quy định chi tiết cần ban hành trước ngày 1/7/2016 đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định và các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được 46/68 văn bản. Số lượng này được lãnh đạo các bộ, ngành và Bộ trưởng Lê Thành Long biểu dương, đặc biệt Bộ trưởng còn ví quá trình thực hiện vừa qua giống như một “chiến dịch” để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Cũng theo thống kê trên thì vẫn còn 18/86 văn bản chưa gửi hồ sơ thẩm định cho Bộ Tư pháp và 22/68 văn bản chưa được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Như vậy, tiến độ soạn thảo, trình văn bản trong thời gian tới rất gấp và đại diện các bộ, ngành đã cùng nhau hiến kế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng văn bản.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà quan niệm, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là giảm nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Vì vậy, ông Hà cho rằng, cần thống kê cụ thể giảm được bao nhiêu và có thông báo cụ thể, quan trọng nữa là không giảm cơ học hay “cứng hóa” các điều kiện. Riêng đối với 49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thì đã có 38 nghị định trình Chính phủ và ông Hà đề nghị sớm hoàn thành về số lượng các nghị định còn lại.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa lưu ý, không thể vì áp lực thời gian mà bỏ qua chất lượng. Theo ông, quyết tâm của lãnh đạo là yếu tố cốt lõi, “ở bộ nào mà Bộ trưởng quan tâm thì công tác xây dựng văn bản chắc chắn sẽ tốt”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy đề nghị phải rà soát để tránh chồng lấn trong nâng cấp các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong thông tư lên thành nghị định. Khác với ý kiến cho rằng không nhất thiết phải tổ chức hội đồng thẩm định, ông Duy lại cho rằng cần có hội đồng thẩm định nhằm nhanh chóng cùng nhau xử lý giải quyết vấn đề còn vướng mắc

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đồng tình với nhận định không thể “bốc” cơ học các quy định trong thông tư lên thành nghị định. Ghi nhận nhiều đề xuất của các bộ, ngành, Bộ trưởng tâm niệm “làm gì thì cũng phải theo quy định của pháp luật, nên thách thức lớn nhất chính là phải dung hòa giữa số lượng, thời gian, chất lượng các văn bản”.

Bộ trưởng khẳng định: “Không thể chạy theo số lượng được. Quyết tâm cao nhất là đảm bảo kịp thời hạn và chất lượng”. Vì vậy, cần tiếp tục đầu tư về thời gian, không chủ quan “coi như xong” đối với những văn bản đã được thẩm định, đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Cũng theo Bộ trưởng, vướng nhiều nhất là nhóm văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh nên nếu có nội dung còn bất hợp lý thì trong quá trình rà soát phải mạnh dạn báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội... Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng cam kết tiếp tục cố gắng cùng Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành xử lý những khó khăn trong soạn thảo, xây dựng, ban hành văn bản.

Đọc thêm