Xin Bộ trưởng cho biết, vai trò, ý nghĩa và đóng góp của việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam đối với đời sống chính trị - pháp lý của đất nước trong 5 năm vừa qua?
Nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của mọi người trong xã hội, ngày 20/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta.
Nội dung tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam rất đa dạng, trong đó tập trung vào các vấn đề chính trị, pháp lý như: Vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ pháp luật; công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật…
Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam giúp nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Qua 5 năm thực hiện, Ngày Pháp luật Việt Nam đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân. Đời sống chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội của đất nước có nhiều chuyển biến tích cực.
Người dân đã và đang tham gia tích cực vào đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, qua đó phát huy dân chủ, nâng cao tính hợp lý, khả thi của văn bản và đổi mới hoạt động lập pháp. Thông qua tổ chức Ngày Pháp luật, các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; gắn với triển khai thi hành Hiến pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN mà trọng tâm là các luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Các quy định pháp luật ngày càng công khai, minh bạch, sát thực tiễn, dễ tiếp cận hơn.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã gắn kết chặt chẽ hơn với công tác thi hành và bảo vệ pháp luật; những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, phục vụ hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển đất nước.
Công tác PBGDPL đã góp phần quan trọng trong nâng cao văn hóa pháp lý cho mỗi cá nhân, làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; chú trọng hơn đến đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp; thông tin, phổ biến dự thảo chính sách, pháp luật trong quá trình soạn thảo, góp phần minh bạch hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi của văn bản.
Nhiệm vụ phản ứng chính sách được thực hiện kịp thời và sát hơn với thực tiễn hơn. Công tác bảo vệ pháp luật được đẩy mạnh, nhiều vụ án lớn đã được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Ngày Pháp luật Việt Nam đã thực sự trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, là ngày hội của toàn dân tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, góp phần tích cực cổ vũ, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật.
Việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam thời gian qua có những tồn tại, hạn chế nào cần khắc phục không, thưa Bộ trưởng?
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 5 năm thực hiện, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế sau đây:
Thứ nhất, một số bộ, ngành, đoàn thể và địa phương ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam chưa kịp thời, nhất là triển khai trong nội bộ cơ quan, tổ chức, địa phương mình, còn lúng túng, thiếu chủ động đề xuất các hoạt động cụ thể.
Thứ hai, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam còn thiếu linh hoạt, sáng tạo, còn biểu hiện hình thức, phong trào, chủ yếu mới dừng lại ở các hoạt động bề nổi, mà chưa đi vào chiều sâu, thực chất.
Thứ ba, việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam còn chưa đồng đều ở các địa phương, tập trung nhiều ở các thành phố lớn, địa bàn đô thị, chưa có nhiều hoạt động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và cho các đối tượng đặc thù.
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, cả chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam. Có nơi chỉ đạo chưa sát sao; sự phối hợp trong tổ chức thực hiện thiếu chặt chẽ. Công tác tham mưu chưa thật chủ động, linh hoạt. Nguồn lực kinh phí triển khai thực hiện chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Qua 5 năm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam vừa qua, xin Bộ trưởng cho biết một số định hướng triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam trong thời gian tới?
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo hướng “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, để tiếp tục phát huy những kết quả qua 5 năm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, trong thời gian tới, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam cần tập trung vào một số định hướng sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng và công tác PBGDPL nói chung là một bộ phận của công tác chính trị - tư tưởng, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng thời nâng cao trách nhiệm chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Hai là, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam cần gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước và từng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, nhiệm vụ xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật để đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, thực chất và đi vào chiều sâu. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PBGDPL và tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam.
Ba là, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, chú trọng những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; phổ biến dự thảo chính sách, pháp luật đang trong quá trình soạn thảo; đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của Cổng Thông tin điện tử, mạng xã hội trong PBGDPL nói chung và tổ chức Ngày Pháp luật nói riêng. Sơ kết, nhân rộng các mô hình tổ chức Ngày Pháp luật hiệu quả trên thực tế; chủ động, sáng tạo áp dụng các mô hình, biện pháp tổ chức thực hiện mới, phù hợp; tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong tổ chức Ngày Pháp luật.
Bốn là, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam cần trực tiếp phục vụ cho quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật. Hưởng ứng Ngày Pháp luật cần gắn với yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, phù hợp với thực tế, dễ tiếp cận, dễ thực hiện với chi phí tuân thủ thấp.
Đảm bảo thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng; phát hiện và xử lý kịp thời, theo pháp luật tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tăng cường lồng ghép PBGDPL thông qua hoạt động công vụ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Năm là, quan tâm bố trí nguồn lực bảo đảm tổ chức Ngày Pháp luật có hiệu quả, phù hợp với điều kiện cơ quan, đơn vị, địa phương, chú trọng đến đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL; tăng cường huy động sự tham gia, hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho công tác PBGDPL nói chung, tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng.
Tôi mong muốn các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức thiết thực, tiến hành thường xuyên, liên tục, là công việc hàng ngày để việc học tập, tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật trở thành công việc tự thân của mỗi người để ngày 09 tháng 11 thực sự là ngày cao điểm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
Nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam, tôi chúc toàn thể những người làm công tác tư pháp và pháp luật luôn dồi dào sức khỏe, tiếp tục có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!