Đơn vị bầu cử số 2 có 5 ứng cử viên gồm: Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Quốc hội Khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đơn vị tỉnh Kiên Giang; đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đơn vị tỉnh Kiên Giang; đồng chí Châu Thị Anh Pha, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ba Hòn, huyện Kiên Lương; đồng chí Nguyễn Việt Thắng, Phó bí thư Huyện ủy An Biên; đồng chí Huỳnh Văn Thẻ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Yên, huyện An Biên.
Bộ trưởng Lê Thành Long và các ứng viên ĐBQH trao đổi với cử tri bên lề Hội nghị |
Tại buổi tiếp xúc, cử tri được nghe tóm tắt tiểu sử của từng ứng cử viên, từng ứng cử viên trình bày chương trình hành động nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV.
Trình bày chương trình hành động của mình, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa XV, với cương vị là người đứng đầu ngành Tư pháp, quản lý nhiều hoạt động liên quan trực tiếp đến người dân sẽ giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Lê Thành Long sẽ phấn đấu hoàn thành tốt trách nhiệm người đại biểu nhân dân trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; chú trọng phát triển các dự án, chương trình an sinh xã hội cho nhân dân những vùng khó khăn; tập trung giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri để kịp thời phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền; trong khả năng và phạm vi công tác của mình, Bộ trưởng sẽ cùng ban, ngành, đoàn thể tỉnh xây dựng, vận động, hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống…
Đồng chí Nguyễn Việt Thắng hứa nếu trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tập trung giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những nội dung nhân dân quan tâm như thực hiện cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác phòng, chống tham nhũng, việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xóa đói giảm nghèo…
Còn đồng chí Huỳnh Văn Thẻ cho biết bản thân tích cực nắm tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu từ cử tri để đề xuất, tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều cử tri mong muốn các đại biểu thực hiện chương trình hành động của mình một cách hiệu quả, thiết thực, mang nhiều lợi ích cho người dân. Cử tri đề nghị ứng cử viên nếu trở thành đại biểu Quốc hội cần thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. …
Chiều cùng ngày Bộ trưởng Lê Thành Long và các ứng viên ĐBQH đã buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri xã Minh Hòa, Bình An, Vĩnh Hòa Hiệp, Vĩnh Hòa Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long hoạt động Quốc hội với vai trò là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang, tập trung ở các huyện Châu Thành, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng. Với sự am hiểu tình hình, gắn bó với địa phương, đồng bào cử tri và kinh nghiệm hoạt động thời gian qua, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục được ứng cử tại đơn vị tỉnh Kiên Giang trong nhiệm kỳ mới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết bản thân quan tâm những giá trị đặc thù, những yêu cầu đặt ra đối với đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng; đã trực tiếp tham gia một số công việc cụ thể góp phần đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
Bộ trưởng Lê Thành Long bày tỏ: “Nếu được cử tri tiếp tục tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa XV, khi tham gia quyết định các vấn đề, dự án quan trọng của quốc gia, tôi sẽ chú trọng đề xuất những giải pháp nhằm giúp khu vực miền Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có được nhiều dự án trong tổng nguồn lực chung để xử lý những khó khăn trước mắt cũng như những yêu cầu lâu nay đã và đang thực hiện nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn về hạ tầng cơ sở, giao thông, thủy lợi, chế độ, chính sách đối với người dân...”.
Bộ trưởng Lê Thành Long nguyện sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, tiếp tục tham mưu, góp sức để giúp Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ cơ bản về lập Hiến, lập pháp, giám sát tối cao các hoạt động của các cơ quan Nhà nước và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Về xây dựng hệ thống pháp luật, sẽ chú trọng hơn đến việc tổ chức thi hành pháp luật và có giải pháp nhằm ban hành được các văn bản đảm bảo tính khả thi, đồng thời tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện đảm bảo yêu cầu, tránh chồng chéo, giảm thiểu chi phí tuân thủ. Trong giám sát tối cao, tập trung giám sát có trọng tâm, trọng điểm các đạo luật, chuyên đề, nghị quyết của Quốc hội, trong đó có những nghị quyết, quyết sách rất quan trọng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các ứng cử viên đơn vị bầu cử số 2 đã trình bày chương trình hành động nếu trúng cử đại biểu Quốc hội trước cử tri, tập trung nêu những việc làm cụ thể gắn công việc, vị trí công tác nhằm góp phần xây dựng đất nước nói chung và Kiên Giang nói riêng.
Qua nghe tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên, nhiều cử tri thống nhất cao; đồng thời bày tỏ mong muốn nếu các vị trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện đúng lời hứa của mình trước cử tri.
Cử tri Thiềm Tấn Cường, ngụ khu phố Minh An, thị trấn Minh Lương phản ánh thời gian qua, việc đăng ký khai sinh cho đồng bào Chăm còn khó khăn, vướng mắc do đồng bào Chăm có phong tục đặt tên riêng, không lấy họ cha hoặc họ mẹ, theo quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, Cử tri Thiềm Tấn Cường mong muốn ngành tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện tốt nội dung này.