Tại buổi tiếp kiến, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian quý báu để tiếp Đoàn; cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, nồng hậu và thắm tình anh em mà phía Lào dành cho Đoàn trong thời gian thăm và làm việc tại Lào.
Báo cáo về nội dung làm việc của Bộ Tư pháp Việt Nam tại Lào, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Đoàn đã tiếp kiến Đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào, sau đó hai Bộ Tư pháp đã tổ chức hội đàm và ký Chương trình hợp tác năm 2020. Bộ trưởng cũng cho biết trong quan hệ hợp tác quốc tế, hợp tác với Lào vẫn là điểm nhấn quan trọng với chiều dài 37 năm. Theo đó, hợp tác giữa hai Bộ ngày càng thực chất hiệu quả, vượt các chỉ tiêu đề ra so với Chương trình hợp tác năm 2019. Hai Bộ cũng đã tích cực trong việc tham mưu giải quyết những vấn đề pháp lý của cư dân khu vực biên giới hai nước.
Bộ trưởng cũng thông tin về kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc ở Việt Nam với việc thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao; cho ý kiến 10 dự án luật, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác. Trong đó, Bộ luật lao động sửa đổi có nhiều chính sách mới quan trọng. Quốc hội Việt Nam ngày càng đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, hiệu quả, nhận được sự quan tâm đánh giá cao của cử tri cả nước.
Vui mừng đón tiếp Bộ trưởng Lê Thành Long và đoàn công tác Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Y-a-tho-tu cũng thông tin về kỳ họp Quốc hội của Lào vừa bế mạc vào chiều cùng ngày. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp và mong muốn thời gian tới đây việc hợp tác sẽ đi vào trọng tâm hơn nữa. Cụ thể như Bộ Tư pháp Việt Nam nên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho Lào trong xây dựng Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước; xây dựng và triển khai thi hành Luật thi hành án dân sự…Đặc biệt Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bộ Tư pháp Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Lào trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Tư pháp, nhất là cán bộ tư pháp ở cấp tỉnh, huyện (Việt Nam nên cử giảng viên sang để có thể huy động được số lượng lớn các cán bộ tư pháp cơ sở tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc).
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tư pháp 2 nước cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan cùng nỗ lực để hoàn thành việc cho nhập quốc tịch theo mục tiêu của Thỏa thuận giữa 2 Chính phủ về giải quyết vấn đề quốc tịch đối với người di dân tự do, mặc dù Thỏa thuận này đã hết hiệu lực (tính cả thời gian gia hạn) vào tháng 11/2019 vừa qua.
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Lê Thành Long hứa Bộ Tư pháp sẽ hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào thành tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội đất nước; tiếp tục vun đắp mới quan hệ giữa hai nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.