Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chính thức “đặt hàng” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng ngành Giáo dục và Đào tạo tiên phong chuyển đổi số, cải cách thực sự để mang lại lợi ích cho người dân.
Đây là lần thứ 2 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và là cuộc làm việc thứ 103 của Tổ Công tác với các Bộ, ngành từ khi thành lập đến nay |
Dứt khoát không để nợ đọng nhiệm vụ
Đây là lần thứ 2 Tổ Công tác của Chính phủ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tình hình thực hiện đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2019-2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.
Đến thời điểm này, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh. Các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, không bị “đứt gãy”, trái lại, “trong nguy có cơ”, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2019-2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép |
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ GDĐT đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương.
Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các địa phương, Kỳ thi được tổ chức thành công, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, công bằng, minh bạch và nghiêm túc, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm nền nếp, chất lượng hơn.
Tuy thi thành 2 đợt nhưng Bộ GDĐT đã chỉ đạo xét tuyển chung trong 1 đợt, điều này tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng, công bằng cho các em thí sinh...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định: “Thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được xã hội và các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Qua đây, đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục trong thời gian qua và khẳng định thành quả đạt được của quá trình đổi mới tổ chức kỳ thi”.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đến thời điểm hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 22 văn bản, trong đó có 17 văn bản đã ban hành, nhiều hơn số văn bản được giao từ đầu năm. Bộ đã cắt giảm tổng số chi phí tuân thủ TTHC được gần 26 tỷ đồng, tương đương 28,89%; đơn giản hoá và cắt giảm được từ 85 chế độ báo cáo định kỳ xuống còn 20 chế độ báo cáo. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tiến hành số hoá 20 chế độ báo cáo định kỳ này.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, chỉ 2 tuần sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hoá các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ.
Đánh giá cao những kết quả này nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát những nhiệm vụ được giao, phấn đấu không để nhiệm vụ nào không hoàn thành trước 31/12. “Các nhiệm vụ được giao đều phải được xem xét, không lùi, hoãn” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.
Đại diện nhiều Bộ, ngành tham dự buổi làm việc |
Chuyển đổi số, hàng triệu phụ huynh sẽ hưởng lợi
Phát biểu tại buổi làm việc, cả Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…. đều có chung nhận định, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có tác động cực kỳ lớn tới đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nên được mọi phụ huynh học sinh, mọi người dân quan tâm. Chỉ một thay đổi chính sách trong lĩnh vực giáo dục đã có thể tác động tới hàng triệu gia đình.
Bởi vậy, Tổ công tác của Chính phủ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những đánh giá sâu hơn đối với việc xây dựng chính phủ điện tử, việc thí điểm thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho phụ huynh, học sinh cũng như cho công tác quản lý của Ngành Giáo dục và Đào tạo.
“Tôi đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng ngành Giáo dục và Đào tạo tiên phong chuyển đổi số, tập trung cải cách thực sự để tạo ra nhiều hơn nữa lợi ích cho phụ huynh, học sinh. Rất khoát số liệu cuối năm phải thống kê được cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số tiết kiệm được bao nhiêu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gợi ý.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng "đặt hàng" Bộ GD và ĐT tiên phong chuyển đổi số để mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho hàng triệu phụ huynh, học sinh |
Chia sẻ thêm thông tin tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt với ngành GD&ĐT do bị tác động của dịch COVID-19, bão lũ miền Trung. Bên cạnh kế hoạch đặt ra, ngành có rất nhiều nhiệm vụ phát sinh do tình hình thực tiễn. Ngành GD&ĐT đã nỗ lực cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình, một số nhiệm vụ đã hoàn thành và hiện còn đang trong thời gian thực hiện.
Nhận “đặt hàng” của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao luôn nhiệm vụ cho Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trực tiếp chỉ đạo các trường Đại học: Bách Khoa, Ngoại thương, Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Vinh kết nối với Tổ công tác của Chính phủ và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm việc thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó nhân rộng ra các trường.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để mang lại lợi ích cho chính học sinh, phụ huynh học sinh.