Logistics được ví như "mạch máu" của nền kinh tế
Cùng tham dự hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, tổ chức quốc tế, hiệp hội, viện nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Quảng Ninh có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Xuân Ký, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò hết sức quan trọng kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế đối với ngành logistics, bởi nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động vào bậc nhất thế giới. Việt Nam cũng là nơi có nguồn hàng tập trung và luồng hàng giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển rõ nét, vươn lên đứng ở top đầu các nước có Chỉ số Logistics thị trường mới nổi, với tốc độ tăng trưởng khá cao (14-16%/năm), từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
Đối với Quảng Ninh – một tỉnh có vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, vẫn được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Xưa nay, khi nhắc đến Quảng Ninh, người ta thường nghĩ ngay đến du lịch và năng lượng, bởi có những tiềm năng, lợi thế vượt trội về tài nguyên khoáng sản, danh lam thắng cảnh…Tuy nhiên, còn một ngành dịch vụ tiềm năng mà Quảng Ninh cũng có lợi thế đặc biệt để phát triển - đó chính là logistics. Bởi Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 05 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng luôn là tỉnh đột phá, đi đầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khi 05 năm liên tiếp (2017- 2021) giữ vị trí đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). "Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội cùng quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh và sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và thế giới"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Thực tế những năm qua, quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Quảng Ninh đã chủ động ban hành các cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho ngành logistics phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn cho rằng, ngành logistics Quảng Ninh hiện chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, hội nhập quốc tế và thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi cho các ngành kinh tế nói chung và logistics nói riêng, nhất là đối với các địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế như Quảng Ninh. Bộ Công Thương hoan nghênh, chúc mừng và đánh giá cao sự năng động, sáng tạo và quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển ngành logistics theo chủ trương của Đảng và Nhà nước (Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics).
"Hội nghị hôm nay là sự kiện quan trọng, vừa là diễn đàn giúp Quảng Ninh chia sẻ tầm nhìn, tiếp thu những ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, doanh nhân và các chuyên gia, nhà khoa học về các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, cũng là dịp để Quảng Ninh giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh và các cơ chế, chính sách của địa phương; thể hiện cam kết và quyết tâm cao của tỉnh trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ quan trọng này"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Quảng Ninh cần tiếp tục những quyết sách đột phá, thúc đẩy ngành logistics phát triển
Để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của tỉnh, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về dịch vụ logistics, Bộ Công Thương đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh quan tâm một số vấn đề sau:
Trước hết, Bộ Công Thương đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn.
Hai là, chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội. Đồng thời, tỉnh cần ưu tiên bố trí ngân sách để làm “vốn mồi”, dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức và tăng khả năng kết nối hiệu quả với các hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, hành lang kinh tế (trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí phù hợp) nhằm nâng cao tính kết nối giữa Quảng Ninh với các địa phương trong Vùng và với các Vùng kinh tế trong nước, khu vực, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Ba là, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm xúc tiến quảng bá, giao thương quốc tế, đóng vai trò kết nối nội vùng và liên vùng.
Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế; Tiếp tục khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết, nhất là các Hiệp định thế hệ mới nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời, tận dụng lợi thế riêng có về vị trí địa lý, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để kết nối hạ tầng logistics với Trung Quốc và các nước ASEAN, Đông Bắc Á nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới...Hình thành các chuỗi logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí phù hợp.
Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Quảng Ninh cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; tiếp tục đẩy mạnh, đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng rằng, với truyền thống năng động, sáng tạo và tự cường của vùng đất mỏ anh hùng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để có những quyết sách đột phá, khả thi thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ đại diện các cơ quan, đơn vị, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các chuyên gia, nhà nghiên cứu vốn có thiện cảm với Quảng Ninh, nay lại hiện diện đông đủ tại đây, sẽ chia sẻ những giải pháp, ý tưởng, kinh nghiệm hay, cách làm tốt giúp logistic Quảng Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và cả nước.
"Hy vọng rằng, sau diễn đàn này, chúng ta sẽ được chứng kiến những làn sóng đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở cả trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh, nhất là các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics, góp phần đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn trong tương lai"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.